Doanh nghiệp TP HCM cần đổi mới nhiều mặt để mở rộng thị trường

(Mặt trận) - Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, các doanh nghiệp thành phố cần chủ động đổi mới công nghệ, đổi mới kỹ thuật, cách quản lý để không chỉ chiếm lĩnh thị trường TP HCM mà còn mở rộng ra cả nước và khu vực.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngày 20/4, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện thông báo kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức CVĐ. Dự Hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương CVĐ, cùng đại diện lãnh đạo nhiều Sở ban ngành của TP Hồ Chí Minh.

5 giải pháp cho hàng Việt

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện CVĐ, ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ TP cho biết, điểm nhấn trong thực hiện CVĐ là việc TP HCM đã mạnh dạn thực hiện 5 nhóm giải pháp, bao gồm thông tin tuyên truyền vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam; Kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường. Về chủng loại hàng Việt tham gia vào bình ổn thị trường, thành phố tập trung vào 4 nhóm là lương thực - thực phẩm, các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu. 

Cho đến nay, thành phố đã hình thành được gần 240 chợ, 211 siêu thị, 48 trung tâm thương mại và 2.360 cửa hàng bán lẻ hiện đại bao phủ rộng khắp trên địa bàn của 24 quận/huyện. Các khảo sát cũng cho thấy có 72% doanh nghiệp trong nước có mặt sản phẩm tại hệ thống các siêu thị của thành phố.

TP HCM cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập được Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP, với chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng không đảm bảo ATTP trên địa bàn; cũng như khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành,...Việc thành lập một cơ quan chuyên biệt về quản lý VSATTP đã giúp chất lượng của hàng hóa trong nước được nâng cao rõ rệt, hạn chế tối đa các chủng loại hàng gian, hàng giả, hàng không đảm bảo ATTP.

Cũng theo ông Trần Tấn Ngời, từ năm 2010 đến nay, thành phố đã kìm chế được lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và định hướng được tiêu dùng hàng Việt. 

“Chúng tôi đã phối hợp hiệu quả với chính quyền, mặt trận, các ban ngành đoàn thể để tổ chức đa dạng, phong phú các chương trình về tiêu dùng hàng Việt. Thành phố cũng thành lập được tổ công tác để thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu tạo nguồn hàng đến khâu đưa sản phẩm vào lưu thông trên thị trường”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Trần Tấn Ngời nhấn mạnh.

Nhờ tổ chức tốt CVĐ, nhiều thương hiệu hàng Việt chất lượng cao đã xây dựng được vị thế phát triển trong nước và vươn ra thị trường nước ngoài, điển hình như Vissan, Satra, Saigon Co.op, Sài Gòn - Tribeco, Tân Quang Minh - Bidrico, Ba Huân, nước giải khát Chương Dương,…

Riêng hệ thống bán lẻ Co.opMart của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM đã không ngừng mở rộng hệ thống ra 64 tỉnh thành, với 105 siêu thị, 4 đại siêu thị Co.op Xtra, 350 cửa hàng thực phẩm Co.opFood, 67 cửa hàng Co.op Smile, 24 cửa hàng tiện lợi Cheers,…

“Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã ký kết liên tục với Saigon Co.op về phối hợp tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt trên website và bản tin mặt trận của thành phố; sử dụng hàng Việt tặng cho dân nghèo trong các dịp lễ tiết nhằm đảm bảo đưa được hàng hóa chất lượng, ngăn ngừa hàng gian, hàng giả”, ông Trần Tấn Ngời cho biết.

Ở cấp độ quốc gia, TP HCM triển khai trương trình hợp tác thương mại giữa thành phố với các tỉnh thành, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt, đầu tư nhà máy, mở rộng chuồng trại, ứng vốn cho nông dân,…

Đến nay, riêng chương trình này đã đồng hành, hỗ trợ các địa phương 42 nhà máy, cơ sở sàn xuất, 72 trang trại, cụm trang trại, với tổng vốn đầu tư hơn 30.112 tỷ đồng. Trong đó, liên kết cung cấp vốn cho nông dân chăn nôi, trang trại rau sạch bình quân 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham quan các mô hình tiêu biểu thực hiện CVĐ của thành phố. (Ảnh: Hồng Phúc).

Tháo gỡ khó khăn, đổi mới mô hình

Để thực hiện CVĐ hiệu quả hơn cho giai đoạn tiếp theo, tại Hội nghị, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện CVĐ trước diễn biến cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như quốc tế ngày càng gây gắt hơn. 

Bên cạnh đó, Mặt trận cũng kiến nghị với Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp phòng vệ thông mại, VSATTP đối với hàng ngập khẩu,… nhằm đảm bảo hàng hóa nhập khẩu vào trong nước được kiểm tra chặt chễ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể.

Chia sẻ tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để cạnh tranh hàng hóa giữa một quốc gia đang phát triển với những doanh nghiệp lớn của các nước phát triển là điều rất khó khăn. Vì vậy, những doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam nếu để cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu nước ngoài thì cần phải tự nâng vị thế của mình lên, nhất là bài toán về chất lượng. 

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc thực hiện CVĐ không có nghĩa rằng hàng Việt nào cũng có chất lượng tốt như hàng ngoại nhập. Thế nhưng, thành phố mong muốn rằng, để lựa chọn hai mặt hàng có chất lượng tương đương nhau thì chúng ta nên lựa chọn hàng Việt. Điều đó vừa thể hiện lòng tự hào dân tộc, vừa giúp chính các doanh nghiệp Việt lớn mạnh hơn, kinh tế đất nước vươn tầm ra châu lục và thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương CVĐ đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện CVĐ của TP HCM. 

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, với vị trí là một trung tâm kinh tế của cả nước thì TP HCM cần tiếp tục tháo gỡ các tồn tại, khó khăn để cùng BCĐ Trung ương nhận diện một cách đầy đủ và chính xác hơn các kết quả đã đạt được. 

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cũng đề nghị, thành phố cần mạnh dạn đề xuất các mô hình, điển hình trong thực hiện CVĐ, nhất là hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp, có môi trường tốt để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô phát triển. 

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, các doanh nghiệp thành phố cần chủ động đổi mới công nghệ, đổi mới kỹ thuật, cách quản lý để không chỉ chiếm lĩnh thị trường thành phố mà còn mở rộng ra cả nước và khu vực. 

“Tôi đề nghị chúng ta coi đây là CVĐ không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa hết sức lâu dài, quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt, và của đất nước. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền các cấp, quán triệt 4 nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản của CVĐ”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh gợi ý với các lãnh đạo thành phố.

Cũng tại Hội nghị đã diễn ra chương trình giao lưu các điển hình thực hiện CVĐ, với sự tham gia của Nghệ sĩ Hạnh Thúy, đại diện CLB Đại sứ hàng Việt; bà Trần Thị Huyền Thanh, Chủ tịch Hội LHPN TP và ông Nguyễn Anh Đức, đại diện của Sagon Co.op.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã trao bằng khen cho 8 tập thể; UBND TP HCM tặng bằng khen cho 56 tập thể và 23 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện CVĐ liên tục nhiều năm (2009-2019), góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố.

Vai trò của báo chí trong tuyên truyền CVĐ

Từ năm 2009 đến 2019, các cơ quan báo chí, truyền thông của TP HCM đã thực hiện 2.233 tin, bài, phóng sự tập trung phản ánh thông tin, tuyên truyền về CVĐ theo từng chủ đề hết sức cụ thể, thiết thực. Riêng chuyên trang “Bình ổn thị trường”; “Câu chuyện thị trường” đã được định kỳ đăng tải, phát sóng trên các kênh sống Đài Truyền hình TP, các báo Sài Gòn Giải phóng, Sài gòn Tiếp thị,… Bên cạnh đó, báo chí cũng đã giúp cho Ban Chỉ đạo CVĐ phát hiện, chỉ đạo kịp thời về các bài viết phản ánh liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, các sức ép từ hàng ngoại nhập. Qua tuyên truyền, báo chí đã giúp người tiêu dùng, các doanh nghiệp tiếp cận, tham gia hưởng ứng CVĐ một cách hiệu quả, qua đó xây dựng được văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong cộng đồng.

Thành Luân ​

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều