Đổi mới nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội

(Mặt trận) - Chiều 10/12, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị thống nhất kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022 giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, và Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các cụ, các vị trong Hội đồng Tư vấn UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và các ban, bộ, ngành liên quan đến chương trình giám sát, phản biện xã hội trong năm 2022.

Phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân

 Quang cảnh Hội nghị
Thông tin về kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, việc triển khai chương trình giám sát nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Cùng với đó thông qua công tác, phản biện xã hội, Mặt trận cũng kịp thời phát hiện sai phạm, khuyết điểm từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tăng cường đồng thuận xã hội.

Xuất phát từ điều đó, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, nội dung Kế hoạch yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc, quy định của pháp luật, thống nhất trong toàn hệ thống MTTQ Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, các cơ quan, tổ chức chủ trì xây dựng dự thảo các văn bản được phản biện xã hội.

 Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị
Công tác giám sát, phản biện xã hội cần có sự đổi mới theo hướng hiệu quả, thực chất và chủ động; nội dung giám sát, phản biện xã hội bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những vấn đề lớn, quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống Nhân dân; hình thức phù hợp, đáp ứng tình hình thực tế, tập trung nguồn lực thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm và có kết quả cụ thể.

 Việc thực hiện giám sát phản biện xã hội phải quán triệt và đáp ứng được các yêu cầu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác giám sát, phản biện xã hội; nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tăng cường phối hợp, hoàn thiện cơ chế huy động sự tham gia của các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân đối với công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, chú trọng sự tham gia của các chuyên gia, người làm công tác thực tiễn, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của vấn đề được giám sát, phản biện xã hội.

Đa dạng các nội dung giám sát

 Quang cảnh Hội nghị
Theo Kế hoạch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì các hoạt động giám sát về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); việc đảm bảo điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới; việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia hoạt động giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành"; Chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021"; Chuyên đề "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021"; Chuyên đề: "Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021".

Cũng theo kế hoạch này, trong năm 2022, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam sẽ tham gia vào một số hoạt động giám sát, cụ thể: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, về an toàn, vệ sinh lao động, về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp; việc thực hiện Quy chế dân chủ nơi làm việc trong doanh nghiệp; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì giám sát việc quản lý sử dụng đất trồng lúa, chính sách tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giám sát việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa"; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì giám sát việc thực hiện các quy định của Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa về hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Phản biện các vấn đề sát với nhu cầu thực tiễn

Cùng với đó trong hoạt động phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi); dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài ra, từ nhu cầu thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan soạn thảo, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội có thể tiến hành phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản, chương trình, dự án khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản có liên quan…

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất vào kế hoạch để công tác giám sát, phản biện xã hội 2022 của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đạt quả cao nhất.

Không để xảy ra hiện tượng trùng lặp trong triển khai kế hoạch

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhấn mạnh và đề cao vai trò của Mặt trận trong công tác giám sát, phản biện. Chính bởi vậy từ những kết quả và kinh nghiệm thực tiễn của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

“Nếu thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội sẽ có những chuyển biến tích cực, thay đổi trong nhận thức và hành động của người dân và cấp ủy, chính quyền các cấp”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức và chất lượng giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt là kết quả giám sát và phản biện xã hội phải được tiếp thu và giải trình từ cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng.

Trong việc thực hiện kế hoạch giám sát năm 2022, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cũng lưu ý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm đến phương thức giám sát; quan tâm tới việc khảo sát lấy ý kiến của người dân đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

"Cần có sự hiệp thương thống nhất giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để không xảy ra hiện tượng trùng lặp trong triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội", Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu gợi mở.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị, các ban, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện năm 2022 để đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị Đoàn Chủ tịch, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ngay sau khi ký ban hành kế hoạch này, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt, tập huấn triển khai thực hiện trong toàn hệ thống.

Hương Diệp

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều