Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn

(Mặt trận) - Sáng 23/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp”. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh chủ trì Hội thảo.

Theo Điều lệ MTTQ Việt Nam (khóa VIII) và Thông tri số 17/TT-MTTW-BTT ngày 3/4/2015 cuả Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điều của Điều lệ MTTQ Việt Nam thì ở Trung ương và cấp tỉnh có thành lập Hội đồng tư vấn (HĐTV); ở cấp huyện và cấp xã thì thành lập Ban tư vấn và có thể mời thêm các cộng tác viên khi cần thiết.

Hiện nay, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập 7 HĐTV: HĐTV về Khoa học - Giáo dục và Môi trường, HĐTV về Dân tộc, HĐTV về Dân chủ và Pháp luật, HĐTV về Văn hóa và Xã hội, HĐTV về Tôn giáo, HĐTV về Đối ngoại và Kiều bào, HĐTV về Kinh tế với 126 thành viên; 63/63 tỉnh, thành phố đều thành lập HĐTV cấp tỉnh với 171 HĐTV và 1.440 thành viên; 41/63 tỉnh, thành phố đã thành lập được Ban tư vấn ở cấp huyện, có 694 Ban tư vấn với 5.468 thành viên tham gia; 33/63 tỉnh, thành phố thành lập được Ban tư vấn ở cấp xã, có 4.378 Ban tư vấn với 26.073 thành viên tham gia.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, các HĐTV, Ban tư vấn là nòng cốt tham gia góp ý vào dự thảo các dự án luật, các chính sách kinh tế, các chương trình quốc gia về an sinh xã hội, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, nghiên cứu, đề xuất ý kiến về các nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam. Các kết quả tư vấn của HĐTV, Ban tư vấn đã góp phần giúp cho Ban Thường trực đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong quá trình hình thành chủ trương, đường lối và xây dựng chính sách, đồng thời là cơ sở để hướng dẫn công tác MTTQ Việt Nam.

Các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn đã tích cực, chủ động phối hợp với nhau trong các lĩnh vực tư vấn, phát huy được trí tuệ, năng lực và sự nhiệt tình của các thành viên trong Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tổ chức được những cuộc khảo sát thực tế về lĩnh vực của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn đảm nhận để nắm bắt, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của người dân và các vấn đề của xã hội đang xảy ra.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, hoạt động của các Hội đồng tư vấn chưa đồng đều, Ban Chủ nhiệm một số Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn chưa phát huy hết tiềm năng của các thành viên trong Hội đồng, do vậy chất lượng tư vấn ở một số lĩnh vực còn hạn chế; mối quan hệ và sự phối hợp giữa các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn chưa thường xuyên, nhất là trong những nội dung, công việc cần có sự phối hợp tham gia nghiên cứu, tư vấn về những vấn đề có liên quan chung.

Từ thực tế hoạt động của các HĐTV, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận về mô hình cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên của HĐTV, Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sao cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay; đưa ra những đề xuất, giải pháp để phát huy tốt hơn lực lượng thành viên của các HĐTV, Ban tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; những giải pháp để phát huy vai trò của HĐTV, Ban tư vấn trong hoạt động thực tiễn và cơ chế chính sách để thu hút, tập hợp, phát huy được uy tín, trí tuệ của các thành viên HĐTV, Ban tư vấn, cộng tác viên.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Dân chủ và Pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, HĐTV của Mặt trận mới chỉ dừng ở góp ý, chưa thực sự phản biện. Vì nếu phản biện khoa học thì phải đi tới chân lý. Còn phản biện xã hội thì phải ra được những kiến nghị xác đáng để cơ quan quản lý nhà nước xem xét.

“Nhìn chung hoạt động phản biện xã hội chưa đúng quy trình, chưa hiệu quả. Các HĐTV chưa được kích hoạt thường xuyên, chúng ta để lãng phí chất xám của các HĐTV. Như HĐTV của chúng tôi chưa bao giờ tự đánh giá là mình hoạt động tốt.”, ông Thường chia sẻ.

Để hoạt động của HĐTV phát huy hiệu quả, ông Thường kiến nghị, cần hoàn thiện cơ chế hoạt động của HĐTV, Ban tư vấn, cộng tác viên. Phải chọn thành viên HĐTV là những nhân sĩ, trí thức có uy tín với xã hội để tiếng nói của họ có trọng lượng. Đồng thời, hoạt động của HĐTV cần tập trung phản biện các dự thảo nghị định, chính sách của Chính phủ. Cùng với đó giúp Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam giải quyết những vấn đề bức xúc của dân, trong đó có giải quyết khiếu nại của dân.

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm HĐTV về Văn hóa - Xã hội cho rằng, cần thu hút đông đảo các nhân sĩ, trí thức uy tín để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐTV, nhất là trong nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, trong đó có các dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước. Cần có ngân sách nhất định để các HĐTV hoạt động.

GS. Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm HĐTV Khoa học - Giáo dục và Môi trường cho rằng, có nhiều vấn đề cần phản biện xã hội nhưng với vai trò của các HĐTV chưa thể hiện được tiếng nói. Ví dụ đổi mới giáo dục phổ thông lần này sẽ dạy tích hợp các môn tự nhiên, tôi cho rằng sẽ thất bại. Hay đề xuất tăng lương cho giáo viên lên mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, liệu có tiền không hay chỉ đề ra cho vui? Rồi đề án 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ, tốn nhiều tiền vậy nhưng liệu có chất lượng?.. Tất cả những vấn đề này đều cần phải phản biện xã hội sâu sắc nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được.

Góp tiếng nói từ cơ sở, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho biết: Các thành viên trong Hội đồng tư vấn các cấp trong tỉnh đều là chuyên gia, trí thức, nhà khoa học, người làm công tác quản lý có trình độ, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động của các tổ chức tư vấn vẫn còn nhiều mặt hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, trong giai đoạn hiện nay, vao trò của MTTQ trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát, phản biện xã hội càng được đề cao thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức tư vấn là việc làm rất quan trọng, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam. Để phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn này, bà Thủy đề nghị MTTQ các cấp cần chú trọng, đẩy mạnh công tác kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các hội đồng tư vấn; khai thác, phát huy, tổng hợp được trí tuệ, kinh nghiệm của thành viên các tổ chức tư vấn các cấp; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tư vấn xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm sát với nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ theo từng năm. Ngoài ra, MTTQ các cấp nên thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng hoạt động cho các thành viên Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn; trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các tổ chức tư vấn ở các cấp, các địa phương; bảo đảm kinh phí hoạt động của các tổ chức tư vấn theo quy định của pháp luật.

Ghi nhận những kiến nghị tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, từ kết quả của Hội thảo, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn và các giải pháp thiết thực, có ý nghĩa cho hoạt động của HĐTV trong thời gian tới.

Hương Diệp

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều