Giải quyết kịp thời ý kiến, nguyện vọng của nhân dân

(Mặt trận) - “Việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là những nhiệm vụ Mặt trận cần quan tâm để ý kiến, nguyện vọng của người dân được giải quyết kịp thời, đồng thời góp phần ổn định xã hội, tránh việc bức xúc của người dân kéo dài”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý.

Ngày 8/12, tại tỉnh Tuyên Quang, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác Mặt trận năm 2018 của Cụm thi đua các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc gồm: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hoà Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo Cụm trưởng Triệu Thị Lún, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang: Năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như mưa bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, nhưng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong các tỉnh Trung du và miền Núi phía Bắc không ngừng được củng cố và tăng cường. Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động được đẩy mạnh thực hiện như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… đã mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác giám sát, phản biện xã hội có nhiều chuyển biến tích cực cả về nội dung và cách thức thực hiện, hiệu quả được nâng lên, qua đó khẳng định vị thế, vai trò và trách nhiệm của Mặt trận trong phát huy quyền làm chủ của nhân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

Cùng với đó, việc tập hợp, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được quan tâm triển khai hiệu quả, các chủ trương, chính sách liên quan đến đến đời sống người dân được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Công tác thăm hỏi, nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng trong các tầng lớp nhân dân nói chung và trong đồng bào dân tộc, tôn giáo nói riêng được tăng cường.

Công tác đối ngoại nhân dân có sự chuyển biến mới; thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cấp uỷ cùng cấp, đồng thời quan tâm kiện toàn, củng cố hệ thống MTTQ các cấp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) về về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực ghi nhận và đánh giá cao kết quả chung của toàn khối năm 2018 trong việc góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hoàn thành mục tiêu kinh tế, xã hội của mỗi  địa phương. Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh: 7 tỉnh đã thực hiện vận động, tuyên truyền trực tiếp đến tận nhóm đối tượng, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, lắng nghe ý kiến phản ánh, đề nghị của người dân để giải quyết kịp thời. Tuyên truyền vận động để ổn định tình hình góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ lắng nghe, phản ánh và kiến nghị, những nội dung liên quan đến tuyên truyền cụ thể trong chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu, nhất là đặc thù cụm là vùng miền núi, đồng bào dân tộc liên quan đến người nghèo, dân tộc thiểu số. Do đó hình thức, đối tượng nội dung tuyên truyền của các tỉnh đã thể hiện khá rõ và có những chuyển biến tích cực góp phần vào việc ổn định tình hình nhân dân và động viên nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh kế, xã hội và nhiệm vụ của 7 tỉnh đều có mức tăng trưởng khá.

“Với các cuộc vận động của Mặt trận, các tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết để thực hiện được các nội dung mới, với nhiều cách làm sáng tạo, thực sự có chuyển biến góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ địa phương, đồng thời đổi mới phương thức của hoạt động Mặt trận”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Chương trình phát huy dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân, giám sát, phản biên xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được nâng cao và tạo sự chuyển biến tốt hơn, tập trung làm tốt. Giám sát đã làm tích cực hơn, phản biện mới là bước đầu. “Phần hoà giải rất quan trọng vì liên quan tới người dân, cần phối hợp chặt chẽ với tư pháp để phát huy vai trò của người có uy tín trong đoàn thể ở khu dân cư để làm tốt việc này. Việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là những nhiệm vụ Mặt trận cần quan tâm để ý kiến, nguyện vọng của người dân được giải quyết, đồng thời góp phần ổn định xã hội, tránh việc bức xúc của người dân kéo dài”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực lưu ý.  

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều