Giảm “giấy phép con” trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

(Mặt trận) - Sáng 24/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.

Góp ý vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật - UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Ngọc Đường cho rằng, Ban soạn thảo cần xem xét dự thảo Nghị định sao cho phù hợp với quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính để việc vận dụng xử lý được rộng rãi và mềm dẻo hơn.

Theo ông Trần Ngọc Đường, dự thảo Nghị định cần phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm, chỉ rõ được hành vi vi phạm và cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Bên cạnh đó, cần xem xét giảm một số thủ tục hành chính để hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân, giúp người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, cũng như đáp ứng tốt công tác quản lý của Nhà nước.

Ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ đồng tình việc dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định đầy đủ các thủ tục, trình tự. Đây là điều cần thiết để tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên theo ông Thường, dự thảo vẫn có quá nhiều các “giấy phép con” như đơn đề nghị, đơn đăng ký, trách nhiệm cơ quan thẩm quyền cấp đăng ký. “Ban soạn thảo cần xem xét lược bỏ các giấy phép con để tạo thuận lợi, dễ dàng cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khi phải làm các thủ tục hành chính”. Ông Thường góp ý.

Đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, ông Thường cho rằng cần bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động quyên góp của các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản.

Bên cạnh đó, cần có quy định xử phạt hành chính đối với các sai phạm trong xây dựng, tu bổ, sửa chữa các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, công trình phụ trợ; có quy định xử phạt hành chính đối với các hoạt động không phải là hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như tổ chức sản xuất, kinh doanh thương mại trong khuôn viên nhà chùa, nhà thờ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi tín ngưỡng, tôn giáo.

Ông Lê Xuân Mai - Trưởng Ban Cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô bày tỏ quan đồng tình với quy định cụ thể, chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên theo ông Mai, bên cạnh việc quy định xử phạt bằng tiền, cần có biện pháp xử phạt bổ sung cao hơn để tránh tình trạng “phạt cho tồn tại”.

Trăn trở về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm HĐTV Tôn giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét việc đệ trình lên Chính phủ và lùi thời điểm ban hành để tiếp tục lắng nghe phản ứng của cộng đồng tôn giáo, từ đó giản lược những điều khó khả thi.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà khẳng định, việc xây dựng 2 dự thảo Nghị định đã được thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật qua việc xin ý kiến các bộ, ngành, các tỉnh thành, các tổ chức tôn giáo; đồng thời đăng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ xin ý kiến nhân dân.

Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, theo lộ trình, các văn bản này sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành. Đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sẽ có hiệu lực đồng thời với Luật. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được cân nhắc lùi thời điểm ban hành cũng như thời điểm có hiệu lực.

Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, qua góp ý, đa số ý kiến đại biểu đều tán thành với việc ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Các ý kiến tập trung đề nghị các dự thảo Nghị định cần hướng tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý các vi phạm, làm rõ các hành vi vi phạm để tránh những bất cập trong xử lý…

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, sau Hội nghị, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu, tập hợp các ý kiến của các đại biểu gửi tới các cơ quan có thẩm quyền nhằm từng bước hoàn thiện 2 dự thảo Nghị định trên.

Anh Vũ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều