Góp ý vào Báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV

(Mặt trận) - Sáng 15/5, tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và cho ý kiến vào Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Tham dự cuộc họp có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước là công tác phối hợp thường xuyên giữa Mặt trận và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước mỗi kỳ họp Quốc hội. Những kỳ họp Quốc hội trước năm 2017, bản dự thảo báo cáo được Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản, chính vì vậy, việc hai bên cùng cho ý kiến vào bản dự thảo báo cáo tại một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là nét mới, nhằm hiện thực hoá kết luận tại Hội nghị ký kết quy chế phối hợp trong năm 2017 giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tại mỗi kỳ họp Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 763 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.330 ý kiến, kiến nghị của nhân dân được phản ánh qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp. Trong đó, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm tới vấn đề sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; quan tâm tới y tế, giáo dục vào đào tạo; quan tâm tới vấn đề quản lý đất đai, bảo vệ tài nguyên và môi trường; vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí; vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội và quản lý đô thị; vấn đề kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ.

Ngoài những nội dung nêu trên, cử tri và nhân dân còn phản ánh về một số vấn đề như: việc một số cá nhân với danh nghĩa Hội Thánh Đức Chúa trời đang lôi kéo, tuyên truyền những giáo lý sai lạc, mê tín dị đoan, gây mất an ninh, trật tự xã hội, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở một số địa phương; tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng; nhiều vụ lừa đảo qua mạng xã hội…

Tại phiên làm việc, hầu hết các ý kiến của đại biểu tham dự cơ bản tán thành 6 nhóm ý kiến được nhân dân cả nước quan tâm mà báo cáo đã nêu và 5 nhóm kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương, đồng thời khẳng định báo cáo là một bức tranh tổng thể để thấy được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cả nước trong thời gian qua.

Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là bước đổi mới giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tạo sự thống nhất các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước trước khi được trình bày tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Đồng tình với những nội dung đã nêu trong báo cáo, tuy nhiên ông Hiển cho rằng, báo cáo cần có những nhìn nhận khái quát hơn và bổ sung thêm nội dung thực hành tiết kiệm trong vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đối với các kiến nghị đã nêu trong báo cáo, ông Hiển cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, thị trường, các chính sách hỗ trợ người dân trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, báo cáo phản ánh nổi bật tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV, trong đó cần đi sâu vào những chính sách về an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, phản ánh những giải pháp liên quan đến lao động, việc làm nhằm giải tỏa những bức xúc trong nhân dân.

Đánh giá cao những nội dung đã nêu trong báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam bổ sung thêm nội dung đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri với sự tham dự đông đảo thành phần nhân dân tại mỗi cuộc tiếp xúc, giải quyết được tình trạng cử tri chuyên nghiệp, để từ đó nhân dân thực sự bày tỏ được tâm tư của mình trước Quốc hội.

“Mặt trận cần công tâm trong đánh giá các cơ quan hành pháp, tư pháp trên cả nước để báo cáo nói lên tiếng nói thiết thực của cử tri và nhân dân trước Quốc hội, từ đó đưa ra những giải pháp để nhân dân đỡ khổ, giảm dần các vụ việc khiếu kiện kéo dài. Cùng với đó, Mặt trận, Ban Dân nguyện và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phân tích, chọn lọc, xử lý tận cùng những vụ việc khiếu nại kéo dài và báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ sáu, thứ bảy của Quốc hội khóa XIV.”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, từ những nội dung cử tri và nhân dân trên cả nước phản ánh, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổng hợp các nội dung ý kiến để đưa vào báo cáo. Với việc tập trung vào 6 nội dung và 5 kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam mong muốn Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tiếp thu, giải quyết và thông báo cho Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nhân dân cả nước biết để giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Tiếp thu những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định Mặt trận sẽ bổ sung, hoàn thiện bản báo cáo cuối cùng gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình bày trước kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Hương Diệp - Ảnh Quang Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều