Góp ý vào Báo cáo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX

Chiều 16/11, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 16 tỉnh khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ nhằm góp ý Báo cáo Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm Quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”.
 Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung để đề xuất với Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai việc tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW một cách toàn diện, sâu sắc, qua đó xác định được định hướng phát triển mới cho giai đoạn tới của toàn vùng.
 
Đại diện các địa phương như Bắc Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ… đề xuất việc phát triển kinh tế vùng trung du, miền núi phía Bắc phải nhanh và bền vững vì bản thân các địa phương này đã có sự phát triển chậm hơn so với các tỉnh miền  xuôi. Trong đó, cần tập trung đánh giá kỹ và xác định rõ thế mạnh của từng địa phương để đề xuất xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể vùng; ưu tiên phát triển thế mạnh của các địa phương để hình thành các tiểu vùng chuyên môn hóa sâu một số ngành, lĩnh vực, tạo ra các chuỗi liên kết, gắn kết các địa phương, tạo ra bức tranh thống nhất, có quan hệ hữu cơ của toàn vùng.
 
Bên cạnh đó, đại diện một số địa phương đề nghị chú trọng đến việc phát triển kinh tế nhưng phải bảo đảm bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa từng địa phương; tập trung đẩy mạnh liên kết vùng gắn với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo về an ninh quốc phòng...

Đánh giá về kết quả đã đạt được, các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả tích cực, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Thu nhập bình quân đầu người trong vùng còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc. Quy mô kinh tế vùng nhỏ, cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chuyển dịch chậm; phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp…

 Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương đánh giá rất cao các ý kiến đóng góp của đại diện Tỉnh ủy các địa phương vào dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, các ý kiến đưa ra là hết sức tâm huyết, toàn diện, đầy đủ và đi sâu vào các nội dung của Nghị quyết; tổng kết những kết quả đạt được của các tỉnh cho thấy Nghị quyết 37-NQ/TW đã tạo động lực phát triển kinh tế vùng và bước đầu đi vào cuộc sống.
 
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, các ý kiến thảo luận đã góp phần làm sâu sắc hơn những hạn chế còn tồn tại ở các địa phương để từng bước thay đổi, kết hợp việc bảo tồn các bản sắc văn hóa dân tộc, công tác an sinh xã hội, liên kết vùng. Các ý kiến đóng góp cho thấy các địa phương trong vùng đã vì sự phát triển chung, không còn tính cục bộ, tạo điều kiện cho phát triển liên kết vùng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Qua các ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, từ kết quả đạt được của các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW cho thấy các địa phương đã không còn ỷ lại vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà đã phát huy được sức mạnh nội sinh, sự tự lực trong việc tạo những đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cũng nhất trí ý kiến của các đại biểu đóng góp về việc cần sớm khắc phục những hạn chế, phát huy hơn nữa nguồn lực xã hội, nguồn lực địa phương, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; yêu cầu sau hội nghị lần này, đại diện các Tỉnh ủy sẽ gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản về Ban Chỉ đạo để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW.

 Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Triển khai Nghị quyết, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, dành nguồn lực để tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thông qua các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia…

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, nhiều lợi thế trong các ngành, lĩnh vực được phát huy; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn và phát triển; đời sống của nhân dân trong vùng không ngừng được cải thiện. Phần lớn các chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết 37-NQ/TW và những nội dung trọng tâm Kết luận 26-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW cơ bản được hoàn thành.

Theo Hồng Ninh (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều