Hoàn thiện các thiết chế đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN

Tiếp tục chương trình làm việc với các bộ, ngành lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, ngày 7/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Các ý kiến đóng góp, thảo luận tại các buổi làm việc đánh giá cao dự thảo Đề án được xây dựng công phu và đóng góp một số ý kiến về tổ chức và hoạt động của ngành Công an, ngành Tư pháp. Trong đó nhiều ý kiến đề cập về đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra, hệ thống cơ quan thi hành án phù hợp với điều kiện Việt Nam, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong tiến trình xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế trong bối cảnh hội nhập, hoàn thiện các thiết chế đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong hai giai đoạn từ nay đến năm 2030 và từ năm 2030 đến năm 2045.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 77 năm qua kể từ ngày thành lập, ngành Công an đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an cũng chú trọng xây dựng lực lượng Công an từ Trung ương đến cơ sở không ngừng lớn mạnh mọi mặt, điển hình là triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những kết quả, đóng góp to lớn của ngành Công an được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Chủ tịch nước cũng ghi nhận tại buổi làm việc, Đảng ủy Công an Trung ương và các chuyên gia đã thẳng thắn, trách nhiệm trao đổi và làm sáng tỏ nhiều vấn đề đặt ra trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta, trong đó có tổ chức bộ máy nhà nước của ngành Công an. Chủ tịch nước nêu rõ, nhiệm vụ quan trọng của ngành là tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Công an đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Việc đổi mới phải dựa trên cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn, làm cho lực lượng Công an không ngừng lớn mạnh.

Chủ tịch nước cũng đánh giá, các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc nhất trí cao từ nay đến năm 2030 cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để lực lượng Công an thực hiện tốt chức năng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. 

Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, hoàn thiện tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục ổn định tổ chức và hoạt động thi hành án hình sự theo hướng tăng cường bảo đảm quyền con người. Hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự, dân sự và hành chính. Tăng cường biên chế, cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết phục vụ thi hành án để đáp ứng yêu cầu thực tế và yêu cầu cải cách tư pháp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, các chuyên gia pháp lý đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, vì sự nghiệp chung của đất nước và phát triển của lực lượng Công an và ngành Tư pháp trong giai đoạn mới, các đại biểu dự họp đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm cao và có cơ sở lý luận, thực tiễn đối với những vấn đề chuyên sâu của hai ngành. Cùng với đó là đã làm rõ cũng như đề xuất, gợi mở một số giải pháp thiết thực về các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành Công an và Tư pháp.

 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đối với một số vấn đề đặt ra trong Đề án có liên quan đến ngành Công an, ngành Tư pháp và nhiều cơ quan khác, Chủ tịch nước đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo sẽ tiếp lắng nghe ý kiến góp ý trong các buổi làm việc, từ đó tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét lựa chọn phương án phù hợp trên tinh thần phát huy dân chủ, có cơ sở khoa học thực tiễn và lý luận, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, định hướng XHCN, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều