Hoàn thiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội

Sáng 8/4, tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trong kỳ báo cáo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp hơn 14.300 lượt công dân. Cơ sở tiếp công dân của Bộ khang trang, trang bị đầy đủ trang thiết bị, bố trí cán bộ chuyên trách trong công tác tiếp công dân… Hoạt động tiếp công dân được thực hiện kết hợp giữa việc ghi sổ tiếp công dân và sử dụng phần mềm quản lý tiếp công dân, xử lý khiếu nại tố cáo của Bộ, có kết nối bước đầu với cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại tố cáo của Thanh tra Chính phủ.

Từ 1/7/2016 - 1/7/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận hơn 4.700 đơn khiếu nại, trên 2.900 đơn tố cáo và hơn 22.300 đơn kiến nghị, phản ánh. Bộ đã chủ động rà soát tất cả các vụ việc bức xúc, nổi cộm, các kiến nghị, khiếu nại kéo dài qua nhiều kỳ tiếp công dân tại Bộ và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, tham mưu giải quyết.

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, Báo cáo đã phản ánh tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trong giai đoạn 2016 - 2021; chỉ ra tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm trong công tác này.

Các đại biểu đề nghị Bộ bổ sung số vụ việc được hướng dẫn, giải thích trực tiếp (tỷ lệ %); số vụ việc được hướng dẫn, giải thích bằng văn bản (tỷ lệ %); số vụ việc được thụ lý theo thẩm quyền; số vụ việc được chuyển, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực do Bộ phụ trách tập trung chủ yếu lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng và bảo hiểm xã hội (chiếm tới gần 90%). Số lượng đơn thư khiếu nại ở các lĩnh vực khác (giảm nghèo, bảo trợ xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động ngoài nước…) chiếm tỷ lệ nhỏ.

Một số ý kiến cho rằng, qua thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn có đơn thư của người dân về việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, như việc chậm nhận được tiền hỗ trợ cho F0 điều trị tại nhà… Do vậy, đề nghị Bộ bổ sung số liệu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này và phân tích, đánh giá hiệu quả tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị, hỏi chính sách qua đường dây nóng, hộp thư điện tử.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thiết lập đường dây nóng, sửa đổi kịp thời các thông tư và nhiều công văn để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ rà soát, chuẩn hóa số liệu, làm cơ sở để đánh giá chính xác về tình hình khiếu nại, tố cáo; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Gợi mở một số vấn đề để Bộ tiếp tục hoàn thiện báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đánh giá sâu sắc hơn hoạt động tiếp công dân, nhất là hoạt động tiếp công dân của người đứng đầu các cấp thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; phân loại rõ: tiếp định kỳ, tiếp đột xuất, tiếp chuyên đề và đối thoại với dân; làm rõ tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của Bộ đặc biệt là lĩnh vực người có công, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội nhất là sau đại dịch COVID-19; nguyên nhân khiến tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực người có công vẫn chưa giảm mặc dù có nhiều cố gắng.

Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài sẽ diễn biến phức tạp khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào thị trường lao động quốc tế. Do vậy, Bộ cần phân tích sâu hơn nội dung này để tìm nguyên nhân và có giải pháp khắc phục…

Theo TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều