Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Ngày 17/2, tại tòa nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã chủ trì Hội nghị liên tịch thường niên tổng kết công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm tổng kết công tác phối hợp năm 2022, trọng tâm công tác phối hợp năm 2023.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.

Về phía Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài; Ủy viên Đảng đoàn MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy; cùng các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.



Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị

Tích cực, chủ động và đổi mới trong công tác phối hợp

Báo cáo Kết quả công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam năm 2022, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, năm 2022, công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là công tác phối hợp xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc thực hiện các nội dung Quy chế phối hợp đã đề ra.

Với mục tiêu hướng về cơ sở, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, chia sẻ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội đã tới dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhân dân tại các khu dân cư nhằm khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Đây cũng là dịp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, đời sống và tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, kịp thời có những chính sách, quyết sách phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, người dân ổn định đời sống.

Quang cảnh Hội nghị

Trong công tác xây dựng pháp luật, hai bên đã mở rộng các hình thức lắng nghe, tập hợp ý kiến của nhân dân; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu góp ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh, tập trung vào một số dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân, đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cử đại diện tham gia vào nhiều ban soạn thảo, tổ biên tập các dự án luật, pháp lệnh; tham dự các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để góp ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh;... Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng luôn chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, nhất là đối với nội dung dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, hai bên đã linh hoạt trong phối hợp, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri, lựa chọn các hình thức phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương; cải tiến phương thức thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; chú trọng công khai các nội dung tiếp xúc cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động nhân dân tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; qua đó giúp đại biểu Quốc hội kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã phối hợp tổng hợp được 5.233 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước để xây dựng Báo cáo tổng hợp gửi tới Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và kỳ họp bất thường đã được các đại biểu Quốc hội và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Đây là những cơ sở quan trọng để phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề lớn sát thực tiễn, hợp lòng dân; đồng thời giúp các cơ quan của Quốc hội xây dựng chương trình công tác phù hợp, nhất là việc lựa chọn chuyên đề giám sát, nội dung chất vấn, giải trình phù hợp…

Cùng với đó, công tác phối hợp trong hoạt động giám sát được tăng cường, trong quá trình tổ chức hai cơ quan đều cử đại diện tham gia, góp ý các hoạt động giám sát, nhất là trong hoạt động giám sát chuyên đề.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trong năm 2023, hai bên tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp để tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, hai cơ quan sẽ phối hợp xây dựng một số dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phối hợp hướng dẫn Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức thảo luận Báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp; bám sát tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và nghiên cứu sửa đổi nhằm bám sát chủ trương của Đảng, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; Phối hợp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, tiến tới sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bám sát nội dung tại Chỉ thị số 18-CT/TW...

Hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân

Bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác xây dựng pháp luật; hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; các chuyên đề giám sát trong năm 2023.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam rất chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, luôn hướng về nhân dân, lắng nghe dân để được lòng dân. Vì vậy, trong thời gian tới, hai bên cần nâng cao hơn nữa việc “hướng về dân” thông qua việc truyền tải thông tin về những vấn đề về kinh tế - xã hội, các dự thảo luật, ….tới nhân dân trong những dịp về với dân, để người dân tham gia đóng góp ý kiến.

“Cần mở rộng đối tượng để lắng nghe ý kiến, hướng đến giáo viên, y, bác sĩ, bởi nhiều người công tác trong những ngành này còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, trao quà cũng nên quan tâm, lồng ghép thêm nhiều chủ đề nhằm truyền cảm hứng hơn để giáo viên, y, bác sĩ cảm thấy yêu nghề và gắn bó với nghề hơn”, bà Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Trong công tác xây dựng pháp luật, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất trân trọng ý kiến phản biện, xây dựng pháp luật của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, có sự nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Do đó, hai bên nên tổ chức thêm một số hội thảo của nhân dân và nên đa dạng các hình thức tiếp cận để lắng nghe sâu hơn ý kiến của người dân; đồng thời hai bên cần có giải pháp để mở rộng đối tượng tiếp xúc cử tri, hướng về dân, lắng nghe dân, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của dân, từ đó hoạt động phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng.

“Đảng đang hướng mạnh đến xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, phát triển niềm tin của nhân dân. Đất nước ngày càng phát triển, nhân dân luôn tin yêu vào Đảng. Do đó, chúng ta cần phải làm thế nào thể đáp lại niềm tin của nhân dân”, bà Nguyễn Thị Doan bày tỏ.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, phần lớn những dự thảo quyết sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đến cuộc sống của nhân dân, đến an sinh xã hội; các giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đều mời đại diện Đoàn Chủ tịch tham gia giám sát và cho ý kiến, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhận định tình hình và trình trước Quốc hội.

“Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động nhằm đảm bảo, thực hiện chức năng Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước”, ông Nguyễn Túc nói.

Gửi kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Túc cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữa chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu ra hoặc phê chuẩn nên lấy ý kiến của đại biểu nhân dân ở khu dân cư nơi người đó sinh sống thường xuyên nhằm khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu: “Cơ chế giám sát quyền lực chưa hoàn thiện, vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ”.

“Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua với quyết tâm cao và những biện pháp mạnh đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này theo hướng đấu tranh nhưng phải đoàn kết hơn”, ông Nguyễn Túc kiến nghị.

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, Luật MTTQ Việt Nam được ban hành năm 2015, qua thực hiện đến nay đã được 8 năm, tuy nhiên không có cơ chế hướng dẫn thực hiện, cơ chế bảo đảm thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương để kiến nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.

Theo ông Đỗ Duy Thường, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần chỉ thị 18-CT/TƯ ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cần nâng cao quyền và trách nhiệm của Đoàn Chủ tịch và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Trong đó, cần tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch góp ý, phản biện vào các dự thảo Luật, Pháp lệnh theo kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là đối với những dự án Luật, Pháp lệnh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, liên quan đến quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam.

Đổi mới việc lắng nghe, tập hợp ý kiến và nguyện vọng của Nhân dân

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Nhất trí với dự thảo báo cáo đã trình bày tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; các cuộc vận động lớn, các hoạt động do Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động đều nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự tham gia tích cực của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam là rất cần thiết và đã có được sự đổi mới, hiệu quả”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Quang cảnh Hội nghị

Để hoạt động phối hợp giữa hai bên ngày càng thực chất, gần dân, lắng nghe ý kiến nhân dân hơn nữa, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh tới việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bởi hiện nay, trong giai đoạn 2020 – 2025 chưa hoàn thành được văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số dự án, trong đó phải kể đến Dự án về triển khai đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó khăn. Vì vậy, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn, trong chương trình giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, giám sát thật kỹ và chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề này.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao chất lượng công tác dân nguyện. Nội dung này đã thực hiện đúng di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Đại diện cho nhân dân, thể hiện ý chí nguyện vọng cao nhất của nhân dân là Quốc hội, lắng nghe ý kiến của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là MTTQ Việt Nam. Trong quá trình xây dựng Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cử các đại biểu tham dự.

Từ nội dung Đề án, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, hiện nay, việc lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân cần có sự đồng nhất; việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cần có sự đổi mới theo hướng cụ thể, cần có thêm kênh của các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu thuộc các tổ chức thành viên do MTTQ Việt Nam giới thiệu ứng cử phải có báo cáo về việc tiếp xúc cử tri theo kênh của mình.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhắc tới nội dung Đề án Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn nhận được sự ủng hộ và nhất trí cao của Đảng đoàn Quốc hội, đặc biệt là sự ủng hộ của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn để Đề án khi đi vào thực tiễn sẽ đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá rất cao đóng góp của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên vào thành tựu chung khá toàn diện của đất nước trong năm 2022.

Bằng nhiều nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội; chú trọng công tác tôn giáo, dân tộc; tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, tăng cường thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Nhấn mạnh những kết quả tích cực trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, trong năm 2023, hai cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của Nhân dân để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Hai bên cần chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, trong năm 2023, hai cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của Nhân dân

Nhấn mạnh nhiệm vụ lập pháp năm nay của Quốc hội tương đối nặng, trong đó có nhiều dự luật khó, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tiến độ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm, chưa được như mong muốn và yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quan tâm giúp thúc đẩy hơn nữa nhiệm vụ này.

“Chúng tôi đã theo dõi và rất hoan nghênh Mặt trận Tổ quốc, các đồng chí tổ chức Hội nghị tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có tác dụng lan tỏa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Mặt trận quan tâm thúc đẩy hơn nữa việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thể phối hợp tổ chức Hội nghị chung để nghe ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân về dự án luật này.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013. Đây là sự kiện lớn khởi đầu trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

Đặc biệt, năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến về rất nhiều dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân như: dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Giá (sửa đổi), dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)... Chủ tịch Quốc hội đề nghị MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đóng góp ý kiến về các dự luật này.

“Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có yêu cầu bất cứ ý kiến nào của người dân, doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội... đều phải được tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình. Do đó, chúng tôi rất mong MTTQ Việt Nam tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phản biện chính sách. Cần thiết ở bất cứ giai đoạn nào, các đồng chí có ý kiến, có văn bản phản ánh, đóng góp ý kiến thì Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa chúc mừng đồng chí Hoàng Công Thủy được điều động, chỉ định tham gia Đảng đoàn MTTQ Việt Nam

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan tập trung hoàn thành việc tổng kết, rà soát Nghị quyết liên tịch 525 ngày 27/9/2012; phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chuyên đề giám sát, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát. Theo yêu cầu của Ban Bí thư, từ năm nay, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt nội dung này để trình Quốc hội để nhân dân cũng giám sát lại hoạt động của Quốc hội và Mặt trận.

Đặc biệt, năm nay, Quốc hội và HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ tốt hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà đại biểu tham dự Hội nghị

Ghi nhận các kiến nghị về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Trước hết, pháp luật phải kín kẽ, không để sơ hở để không có điều kiện làm sai. Đảng đoàn Quốc hội đang tập trung cho vấn đề này và cũng vừa hoàn thành báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chỗ nào có khả năng sơ hở và dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta làm tốt công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật thì sẽ góp phần “đánh chuột mà không để vỡ bình”, thậm chí còn không phải đánh, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “không dám, không muốn và không thể”. Quốc hội sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác này”.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị hai cơ quan phối hợp rà soát, đánh giá, cập nhật tình hình, xác định đúng, trúng các nội dung để đưa vào Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội; tăng cường phối hợp để tiếp tục tạo chuyển biến trong nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội cũng như các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị. Đồng thời, phối hợp chỉ đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội và MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc cử tri hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung rà soát, đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế số 02 về phối hợp công tác giữa hai cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội tặng quà đại biểu tham dự Hội nghị

Hương Diệp - ảnh Quang Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều