Hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ Chính trị về kỷ luật đảng viên

(Mặt trận) - UBKT Trung ương ban hành Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Kỳ họp thứ 22 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương 
Trong đó, Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW nêu rõ quy định chung:

Nguyên tắc xử lý kỷ luật (Điều 2)

+ Trường hợp xem xét kỷ luật theo đề nghị của tổ chức đảng cấp dưới đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, tổ chức đảng có thẩm quyền phải xác minh, làm rõ vi phạm trước khi xem xét, quyết định hoặc đề nghị xem xét kỷ luật.

+ Thời gian chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên khi có quyết định thay đổi hình thức kỷ luật được tính cả thời gian đã chấp hành của các quyết định kỷ luật trước đó (tính đủ 12 tháng).

Thời hiệu kỷ luật (Điều 4)

Thời điểm xảy ra hành vi vi phạm phải được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, làm rõ, kết luận.

+ Đối với vi phạm mà xác định được thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt.

+ Đối với vi phạm mà không xác định được thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật đối với:

+ Thời gian chưa xem xét, xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b, d khoản 14 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW.

+ Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có).

Theo điểm a, b, d khoản 14 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW, trường hợp chưa kỷ luật, không hoặc miễn kỷ luật:

a) Đảng viên là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc đảng viên là nam giới (trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét kỷ luật.

b) Đảng viên bị bệnh nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện thì chưa xem xét kỷ luật, khi sức khỏe ổn định (được ra viện) mới xem xét kỷ luật.

d) Đảng viên bị tuyên bố mất tích nếu phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận nhưng chưa xử lý kỷ luật, khi phát hiện đảng viên đó còn sống thì thi hành kỷ luật theo quy định.

Tình tiết tăng nặng mức kỷ luật (Điều 6)

+ Tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhiều lần hoặc bị kỷ luật nhiều lần là vi phạm hoặc bị kỷ luật từ lần 2 trở lên, tính cả vi phạm hoặc bị kỷ luật trước đó về hành chính, đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.

+ Vi phạm có tổ chức là vi phạm có sự cấu kết, bàn bạc, thống nhất giữa những tổ chức đảng hoặc đảng viên cùng vi phạm.

Kỷ luật đảng viên vi phạm

Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW hướng dẫn kỷ luật đảng viên vi phạm.

Áp dụng hình thức kỷ luật:

Đảng viên giữ chức vụ bị kỷ luật theo quy định tại khoản 2 các điều từ Điều 25 đến Điều 56, thì xem xét kỷ luật cách chức đối với vi phạm:

+ Đã bị kỷ luật mà tái phạm.

+ Vi phạm trong phạm vi, lĩnh vực chuyên môn được giao; biết sai mà vẫn thực hiện hành vi vi phạm hoặc để xảy ra vi phạm tại tổ chức, cơ quan, đơn vị mình lãnh đạo, quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Đã được tổ chức đảng cấp trên chấn chỉnh, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục, rút kinh nghiệm nhưng vẫn để vi phạm tiếp diễn.

Kỷ luật cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm để xem xét, quyết định.

Vi phạm quan điểm chính trị và chính trị nội bộ (Điều 25):

+ Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong sinh hoạt, công tác; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm; làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

+ Vi phạm những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.

Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng (Điều 26):

+ Chỉ đạo, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện không kịp thời, không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

+ Không xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo nhiệm vụ được giao; không phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức và cá nhân trong triển khai thực hiện hoặc xây dựng chương trình, kế hoạch mang tính hình thức dẫn đến vi phạm của tổ chức hoặc đảng viên.

+ Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

+ Ghi chép, phản ánh thông tin không trung thực các ý kiến phát biểu thảo luận của đảng viên, kết luận của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.

Vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn (Điều 28):

+ Tự ý liên hệ với tổ chức, cá nhân để thực hiện viết bài, cập nhật thông tin không theo chương trình, kế hoạch công tác, không đúng tôn chỉ, mục đích của ngành; có hành vi đe dọa, sách nhiễu, gây khó dễ, yêu sách về viết bài, đăng tải, gỡ bài, chia sẻ thông tin đối với tổ chức, cá nhân để nhận tiền, vật chất có giá trị hoặc lợi ích khác; có hành vi vi phạm bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính.

Vi phạm quy định khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 38):

+ Đảng viên thực hiện quyền tố cáo được tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần; đúng về hiện tượng nhưng không đúng về bản chất thì không bị coi là bịa đặt, vu khống hoặc tố cáo sai.

+ Có lời nói, hành động hoặc thông qua người khác đe dọa, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.

+ Ngăn cản, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp trong thi chuyển ngạch, nâng bậc, nâng lương, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tố cáo.

+ Phân biệt đối xử, lôi kéo người khác cản trở việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người tố cáo.

+ Xử lý trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thay đổi công việc của người tố cáo với động cơ trù dập.

+ Trực tiếp hoặc thuê, nhờ người khác đe dọa, trấn áp, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo.

+ Trực tiếp hoặc thông qua người khác gặp, điện thoại, nhắn tin hoặc dùng các hành vi khác gây sức ép với người giải quyết nhằm làm sai lệch nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Vi phạm quy định thực hiện chính sách an sinh xã hội (Điều 48):

+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế làm ảnh hưởng đến lợi ích của người hưởng bảo hiểm; lạm dụng, trục lợi, gây thất thoát, thiệt hại quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

+ Kê khai không đúng thông tin nhân thân, thời gian công tác, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để hưởng các chính sách, chế độ về bảo hiểm.

Vi phạm quy định hôn nhân và gia đình (Điều 51)

+ Có con đẻ ngoài hôn nhân với người khác.

+ Từ chối hoặc không hợp tác thực hiện nghĩa vụ để xác nhận huyết thống theo yêu cầu của tổ chức đảng có thẩm quyền.

Vi phạm quy định chính sách dân số (Điều 52):

+ Vi phạm do nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thai sản (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật.

+ Vi phạm do cố ý hoặc cưỡng ép không thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì xem xét tăng nặng mức kỷ luật.

Vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 55):

+ Để ban quản lý, ban bảo vệ di tích hoặc người giao quản lý, trông coi di tích lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan hoặc trục lợi; sử dụng tiền công đức, tiền quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cho công trình, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sai mục đích, không đúng quy định của pháp luật.

+ Cho phép, chấp thuận, cấp đất cho việc xây dựng cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng trái quy định.

Theo Baochinhphu.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều