Khắc phục tình trạng ban hành văn bản chậm, không theo kịp thực tế

Theo chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 2 bằng hình thức trực tuyến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sáng 30/9, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Pháp luật đã cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 và thông qua chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2022.
 Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết: Việc quán triệt chủ trương tăng cường thực hiện nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đã được các cơ quan của Quốc hội thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, bài bản. Việc xác định số lượng, nội dung cần giao quy định chi tiết đã được cơ quan chủ trì thẩm tra quan tâm kiểm soát trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời, xác định báo cáo giám sát là nguồn thông tin quan trọng để đánh giá tác động và đề xuất chính sách. Về cơ bản, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực phụ trách, các cơ quan của Quốc hội đã xác định cụ thể phạm vi giám sát văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác giám sát.

Theo thường trực Ủy ban Pháp luật: Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết đã có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để; vẫn có những vấn đề mới giao quy định chi tiết được bổ sung trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết nhưng chưa được đánh giá tác động đầy đủ. Việc đổi mới, đề cao trách nhiệm và tính chủ động của đại biểu Quốc hội trong việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu về việc để xảy ra tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết còn hình thức, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương. Các tiêu chí để phân biệt văn bản quy định chi tiết thi hành luật với văn bản ban hành theo thẩm quyền, văn bản quy định biện pháp thi hành luật chưa rõ ràng; công tác tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về công tác giám sát văn bản cho công chức của Văn phòng Quốc hội chưa được triển khai thực hiện.

Phát biểu tại Phiên họp, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, sớm khắc phục tình trạng văn bản ban hành chậm, không theo kịp thực tế, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành đã phải sửa, cá biệt là có văn bản vừa ban hành đã phải thu hồi. Ví dụ như văn bản của Bộ Y tế vừa ban hành cho phép người dân sử dụng thuốc đông y trong việc chữa bệnh COVID-19, vừa ban hành lại thu hồi. Đó là những hạn chế cần khắc phục.

Nhiều ý kiến phát biểu tại Phiên họp đều thống nhất, việc triển khai hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Pháp luật năm 2021 được Ủy ban Pháp luật thực hiện đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, Kế hoạch số 39/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết và Kế hoạch của Ủy ban Pháp luật về giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2021.  

Thực tế trong quá trình giám sát về văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm khắc phục những hạn chế trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết các nội dung còn nợ đọng; xử lý dứt điểm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái luật đã được các cơ quan của Quốc hội chỉ ra và kết luận qua giám sát tại kỳ báo cáo này và những kỳ trước đây theo đúng quy định.

Đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan được giao soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ nghiên cứu cơ chế giao cho cơ quan đầu mối trong việc giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tự kiểm tra văn bản do mình ban hành để bảo đảm tính toàn diện, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; công khai tình hình soạn thảo và nợ ban hành văn bản quy định chi tiết trên Cổng thông tin điện tư Chính phủ và của Bộ Tư pháp, thường xuyên có văn bản đôn đốc công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh…

Kết luận Phiên họp, đồng chí Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục thực hiện các đề xuất, kiến nghị chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ trong kỳ giám sát năm 2021, có giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế.

Trong kỳ giám sát năm 2021, Ủy ban Pháp luật đã giám sát 96 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm 43 Nghị định của Chình phủ, 6 Quyết định của Thủ tướng và 47 Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Đến nay 2 Nghị định có nội dung không phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt (Nghị định số 18/2020/NĐ-CP và Nghị định số 36/2020/NĐ-CP) đã được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong kỳ giám sát năm 2020, vẫn đang trong quá trình xây dựng theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Viết Tôn/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều