Khánh thành tượng đài Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của

Ngày 16/7, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của.

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu; lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện gia đình Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của.

 

Cắt băng khánh thành tượng đài.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết: Việc xây dựng tượng đài Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của nhằm tôn vinh và ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với nền nông nghiệp nước ta; đồng thời đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của đông đảo nhân dân tỉnh nhà cũng như tôn vinh một nhà khoa học nổi tiếng, một trí thức yêu nước của Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Sóc Trăng, cả đời vì nhân dân, cống hiến cho khoa học, nâng tầm của cây lúa Việt Nam, góp phần lớn cho an ninh lương thực quốc gia và quốc tế.

Công trình tượng đài Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của được khởi công vào tháng 2/2020 trong khuôn viên công viên 30-4, trung tâm thành phố Sóc Trăng. Công trình có tổng vốn đầu tư trên 8,5 tỷ đồng. Quy mô phần tượng toàn thân hình Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của đứng, cao 6 mét, đang ôm bó lúa; phần đế tượng cao 1,5 mét, phần bệ tượng cao 1 mét. Tượng được làm bằng chất liệu đá Granite trắng xám Bình Định, nền lát đá granite, phần đế tượng, bệ tượng, bồn hoa ốp đá granite đen.

Giáo sư - Bác sĩ Nông học Lương Định Của (16/8/1920 - 28/12/1975), sinh ra tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Ông là chuyên gia hàng đầu của nước ta, đồng thời cũng là nhà khoa học có uy tín lớn trong giới khoa học nông nghiệp ở một số nước trên thế giới về di truyền chọn giống.

Ông là người đề xuất chủ trương đắp bờ vùng bờ thửa, làm thủy lợi nội đồng để việc canh tác lúa đi vào thâm canh, tăng vụ. Ngoài ra, ông còn ứng dụng kinh nghiệm của Nhật Bản để cải tiến quy trình cấy lúa ở nước ta. Qua nghiên cứu, ông đã lai tạo được nhiều giống lúa cho năng suất cao phù hợp với đồng ruộng và thời tiết ở nước ta như: lúa muộn, lúa Xuân sớm, lúa chiêm 314, lúa Nông nghiệp 1, lúa Nông nghiệp 8... Ngoài cây lúa, ông còn nghiên cứu lai tạo được nhiều giống màu và cây ăn quả có chất lượng cao như: dưa hấu không hạt, cà chua, dưa lê, khoai lang...

Cùng với công tác nghiên cứu, ông còn quan tâm đến công tác đào tạo nhiều cán bộ khoa học cho ngành nông nghiệp nước nhà, nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ cấp cao của và Nhà nước ta. Năm 1966, tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước, ông vinh dự được Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngành Nông nghiệp và năm 1996 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

 

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng 5 tỷ đồng đóng góp xây dựng tượng đài.

Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao số tiền đóng góp xây dựng tượng đài 5 tỷ đồng; Quỹ học bổng Lương Định Của trao 10 học bổng cho học sinh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã trao tặng quỹ khuyến học tỉnh 30 triệu đồng.

 

Trao 10 suất học bổng Lương Định Của cho các em học sinh trong tỉnh. 

Theo Trung Hiếu (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều