Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc

(Mặt trận) - “Chương trình ký kết phải làm sao nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc nói chung và vùng đồng bào dân tộc khó khăn, vùng miền núi nói riêng. Đồng thời nâng cao trình độ học vấn, trình độ văn hóa và bảo tồn, phát huy nền văn hóa của mỗi dân tộc”. Đó là mong muốn của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2012-1016 và ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021 do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Uỷ ban Dân tộc tổ chức chiều 16/5 tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị còn có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, Trương Thị Ngọc Ánh cùng đại diện Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố.

  Đại diện lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc tại Lễ ký kết.

Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, qua 5 năm triển khai Chương trình phối hợp số 18 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc, các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước cơ bản được triển khai và tổ chức thực hiện tốt, góp phần xoá đói giảm nghèo nhanh, bộ mặt nông thôn miền núi đổi thay rõ rệt. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với đầu nhiệm kỳ, trung bình từ 8-10%. Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số ổn định và từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo khu vực đồng bào dân tộc miền núi giảm từ 2-4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%.

“Công tác phối hợp đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc cùng với cơ chế, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước đã giúp cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi từng bước phát triển, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định.

Căn cứ chương trình phối hợp của hai cơ quan Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố đã tiến hành xây dựng và triển khai chương trình phối hợp cụ thể tại các địa phương. Đến nay, đã có 32 tỉnh, thành phố triển khai chương trình phối hợp với Uỷ ban Dân tộc.

Từ thực tiễn phối hợp ở cơ sở, theo các đại biểu, công tác vận động đồng bào thiểu số hiểu phong tục tập quán, tâm lý của đồng bào, không nặng về lý thuyết chung chung mà phải bằng việc làm, mô hình cụ thể để cho đồng bào tai nghe mắt thấy, tạo thành động cơ thôi thúc đồng bào tự giác, hăng hái tham gia.

Phó ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Trần Thị Lý cho rằng, việc đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay phải cân đối giữa đầu tư gián tiếp xây dựng kết cấu hạ tầng với đầu tư trực tiếp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của đồng bào. Bên cạnh đầu tư, phải bố trí đất đai, cho vay vốn, hướng dẫn sản xuất để bà con phát huy vai trò tự chủ, tự lực cánh sinh vươn lên bền vững.

“Trong hỗ trợ trực tiếp đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, hỗ trợ giảm nghèo không nên máy móc chỉ hỗ trợ đối với hộ nghèo mà cần hỗ trợ cả hộ cận nghèo, giúp cho những hộ mới thoát nghèo vươn lên khá, giàu để làm mô hình điểm, điển hình cho hộ nghèo học tập, qua đó xoá bỏ tâm lý không muốn thoát nghèo để khỏi mất sự hỗ trợ của Nhà nước” bà Lý kiến nghị.

 Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ ký kết.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, qua 5 năm thực hiện, Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc đã đạt được những kết quả tích cực. “Đây là chương trình đạt kết quả tốt nhất trong những chương trình phối hợp của Uỷ ban Dân tộc”, ông Chiến khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Chiến, công tác phối hợp còn một số hạn chế, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3 lần bình quân chung, cơ sở hạ tầng còn yếu. Đói nghèo, thiếu việc làm, thất học, thiên tai, dịch bệnh là những thách thức rất lớn đối với vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Về nhiệm vụ phối hợp trong thời gian tới, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị hai cơ quan theo hệ thống cần phối hợp thực hiện tốt các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, các chương trình từ thiện nhân đạo bằng những hành động quyết liệt, cụ thể, qua đó tạo sự lan toả, đồng thuận trong xã hội. Đồng thời hai cơ quan cần phối hợp xây dựng triển khai các khung chính sách, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo cho những vùng đặc biệt khó khăn, tạo sinh kế, xoá đói giảm nghèo, xoá bỏ phong tục tập quán lạc hậu…

 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Lễ ký kết.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, Chương trình phối hợp giai đoạn 2012 -2017 từ Trung ương đến địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận xã hội về công tác dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, hai bên đã làm tốt công tác phối hợp thông qua việc thực hiện nhiệm vụ của mình một cách tích cực, chủ động, thường xuyên, qua đó tăng cường thêm mối quan hệ phối hợp nhiều mặt giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc. Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách dân tộc nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.  

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện còn 9,8% và hộ cận nghèo là 5,2%, riêng vùng dân tộc hộ nghèo chiếm 23% và cận nghèo chiếm 18,8%, tỷ lệ này hiện cao gấp 4 lần so với bình quân cả nước. “Chính vì vậy chương trình ký kết phải làm sao nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc nói chung và vùng đồng bào dân tộc khó khăn, vùng miền núi nói riêng. Đồng thời nâng cao trình độ học vấn, trình độ văn hóa và bảo tồn, phát huy nền văn hóa của mỗi dân tộc”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn gợi mở.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ủy ban Dân tộc để sao cho những nội dung ký kết giữa hai bên có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc miền núi khó khăn. Hai bên cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân nói chung và đối với đồng bào dân tộc nói riêng về đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan tới chính sách dân tộc. Hai bên cũng sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan về cơ chế chính sách nhằm phát triển vùng đồng bào dân tộc như kết cấu hạ tầng, điều kiện học tập của con em vùng đồng bào dân tộc như điều kiện xét cử tuyển, chăm lo tốt hơn nữa chính sách y tế liên quan đến bảo vệ sức khỏe của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

  Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý hai bên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình đã ký kết cần được thực hiện hiệu quả, đi sâu vào các địa phương vẫn chưa triển khai được chương trình ký kết giai đoạn 2012-2016 và nhân rộng những điển hình trong gian đoạn 2017-2021.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với sự quyết tâm của Ủy ban Dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, chương trình phối hợp sẽ được triển khai có những kết quả, hiệu quả nổi bật trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2021 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc.

Trong giai đoạn 2017-2021, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Uỷ ban Dân tộc phối hợp tuyên truyền Nghị quyết và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giúp đồng bào các dân tộc nhận thức sâu sắc hơn về quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng, củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và thực hiện tốt chính sách dân tộc.

Hai cơ quan cũng phối hợp tuyên truyền, vận động và tổ chức đồng bào các dân tộc tích cực, chủ động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp tổ chức phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong giai đoạn 2017-2021, hai bên cũng phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo cho những vùng đặc biệt khó khăn, trong đó tăng cường đầu tư về hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và chính sách cán bộ dân tộc, miền núi. Phối hợp thực hiện chính sách và công tác tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài Hương Diệp - ảnh Thành Trung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều