Lắng nghe tiếng nói từ địa phương

(Mặt trận) - “Lắng nghe địa phương nói, đó là quan điểm giám sát của Mặt trận. Giám sát để chúng ta phối hợp, kiến nghị, đề xuất làm tốt hơn”. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh nhấn mạnh tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Giám sát thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 28/6.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Ban Chỉ đạo Giám sát thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại  Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia giáo dục, đại diện các cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết: “Theo kế hoạch giám sát năm 2018 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, thực hiện Chương trình giám sát phối hợp số 24, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, chúng tôi mong muốn việc thực hiện NQ 29 theo kế hoạch đã đặt ra đạt được hiệu quả giám sát một cách tốt nhất”.

Trước khi đoàn giám sát về các địa phương, cơ sở, Ban Chỉ đạo làm việc với Bộ chủ quản để nghe Bộ báo cáo về tình hình, kết quả triển khai thực hiện NQ 29. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chương trình và Đoàn giám sát là lắng nghe, tìm hiểu những vấn đề cần quan tâm, giúp cho việc giám sát ở cơ sở trúng, đúng, đạt được kết quả theo mục tiêu đề ra.

Sau khi nghe báo cáo việc triển khai sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu các cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập tới các vấn đề nóng của giáo dục hiện nay như: Bạo hành trẻ em ở một số cơ sở giáo dục, cơ sở vật chất, thời gian, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó là công tác thanh kiểm tra, xử lý chưa nghiêm.

Ở cấp tiểu học, đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực học sinh, bớt lý thuyết, tăng thực hành. Đánh giá học sinh tiểu học, không nặng về điểm số, kết quả. Tiệm cận với xu thế đánh giá của quốc tế. Các trường tiểu học địa phương đã tích cực bồi dưỡng giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó là những lo ngại về việc dồn dịch điểm trường, học sinh đi học quá xa, cảnh báo bỏ học. Sĩ số quá đông đang xảy ra tại các trường học ở nhiều nơi.

Đáng chú ý, kết quả xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, ngành giáo dục đã tích cực phối hợp với Hội Khuyến học đẩy mạnh phong trào”Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, triển khai xây dựng các mô hình học tập gắn kết với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.

Từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã có hơn 100 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng. Gần 5 triệu người học ngoại ngữ và hơn 1 triệu người học bồi dưỡng tin học ứng dụng. Hơn 2 triệu người tham gia học nghề ngắn hạn. Hơn 235.000 người theo học lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Số lượt cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng trên cả nước đạt hơn 3,2 triệu lượt người. Gần 99% cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn, 65% cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Khoảng 79% cán bộ cấp xã đạt trình độ chuyên nghiệp

GS Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, GS Nguyễn Lân Dũng, Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, những cố gắng của ngành giáo dục thời gian qua là rất lớn. Tuy nhiên về quy hoạch dài hạn và phát triển nguồn nhân lực, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế để nghĩ cách khắc phục.

Tiếp theo là vấn đề sách giáo khoa, GS Nguyễn Lân Dũng phản đối tích hợp 3 môn sinh - lý - hoá cho học sinh cấp 2. Không thể tích hợp sinh học với vật lý. Bên cạnh đó, chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp thời đại 4.0, liên quan tới hướng nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như đang đứng ngoài cuộc. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống ngoài giờ là rất quan trọng. Cần nhiều người tham gia vào việc giảng dạy kỹ năng sống ngoài giờ cho học sinh. Đặc biệt trường sư phạm phải là nơi đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, chấm dứt tình trạng 9 điểm vào sư phạm. 

Ông Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và cơ quan quản lý của Nhà nước, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo là nòng cốt thực hiện Nghị quyết. Các bộ, ngành có liên quan đã triển khai thực hiện NQ 29, nhưng nhiều nơi còn mang tính hình thức. Còn nhiều bất cập ở cơ sở vật chất, giáo viên, phong chức danh GS, PGS trong các trường Đại học. Về biên chế giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động cân đối việc thừa, thiếu giáo viên để có đề xuất cho phù hợp. Làm rõ hơn để quá trình giám sát ở các địa phương, góp phần đánh giá sâu sát việc thực hiện NQ 29.

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho biết: Thời gian tới, đoàn sẽ giám sát một số địa phương, đơn vị việc thực hiện Nghị quyết 29. “Phải lắng nghe địa phương nói, đó là quan điểm giám sát của Mặt trận. Giám sát của Mặt trận là để chúng ta phối hợp, kiến nghị, đề xuất làm tốt hơn, đạt được mục tiêu của Nghị quyết 29 đề ra”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định.

Hải Nhi

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều