Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước

(Mặt trận) - Chiều 24/6, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị công bố các chỉ số đánh giá về kết quả cải cách của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị.
Công tác phối hợp ngày càng đi vào chiều sâu

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, những năm qua, công tác cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và người dân hết sức quan tâm. Đặc biệt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực hết mình trong cải cách hành chính, thể chế với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

“Thấy rõ được ý nghĩa của công tác này, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có Chương trình phối hợp Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước để phục vụ công bố chỉ số hằng năm và phục vụ báo cáo đánh giá thúc đẩy các biện pháp cải cách hành chính. Từ năm 2015 đến nay, việc phối hợp ngày càng đi vào chiều sâu”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực thông tin.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, giám sát việc thực hiện, giám sát việc lấy chỉ số hài lòng. Kết quả của Chương trình phối hợp này có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ giúp cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức đối với chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ mà còn tạo cơ chế mở để người dân, tổ chức tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ hành chính công.

Báo cáo kết quả giám sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức giám sát điều tra xã hội học, đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020.

Qua giám sát cho thấy, việc chọn mẫu điều tra xã hội học về cơ bản đã được thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Hầu hết việc chọn mẫu điều tra xã hội học của Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố đã có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Cựu chiến binh cùng cấp; các điều tra viên của Bưu điện các tỉnh, thành phố đã thực hiện theo quy định trong quá trình phát phiếu điều tra như: Phát phiếu cho đúng người có tên trong danh sách mẫu điều tra chính thức; thực hiện giới thiệu tương đối chi tiết về mục đích điều tra xã hội học và hướng dẫn người dân thực hiện điền phiếu điều tra xã hội học; đồng thời, việc phát, thu, bàn giao, bảo quản phiếu điều tra xã hội học của Bưu điện các tỉnh, thành phố đảm bảo khoa học, đúng quy định.

“Nhìn chung, việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đã được thực hiện từ năm 2015 đến nay luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Các bên tham gia chương trình phối hợp đều có văn bản hướng dẫn đầy đủ, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương về thực hiện đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính; có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Bộ Nội vụ đối với các tình huống phát sinh, sự phối hợp phần lớn của người dân, tổ chức trong việc thực hiện khảo sát, điều tra xã hội học, góp phần bảo đảm tính khách quan, trung thực, phản ánh sát thực tiễn của các địa phương”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.

Phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, giảm tầng nấc

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, để kiên định mục tiêu "Xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, gần dân” thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, giảm tầng nấc; đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện công khai minh bạch, đưa dịch vụ hành chính sát dân, sát cơ sở, phục vụ người dân tốt hơn.

Cùng với đó cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức. Các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại để kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

“Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung, hình thức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của người dân, tổ chức trong việc tham gia đánh giá kết quả cải cách hành chính; vận động nhân dân tích cực tham gia xác định chỉ số hài lòng”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị Bộ Nội vụ tổ chức sơ kết Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017- 2020” và Chương trình phối hợp số 2 ngày 24/7/2018 về đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2018-2020. Tổ chức hội thảo để làm rõ các giải pháp khắc phục những vướng mắc, bất cập, hình thức trong tổ chức thực hiện. Nghiên cứu xây dựng Đề án và Chương trình phối hợp triển khai đo lường sự phục vụ hành chính trong giai đoạn mới, trong đó cần đảm bảo kinh phí hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia.

“Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính, trong đó có Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX). Định kỳ hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết công tác cải cách hành chính; khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nói

Hương Diệp - ảnh Minh Đức/TTXVN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều