‘Liều thuốc’ quý cho ngành y

Chính phủ vừa liên tiếp ban hành nghị định và nghị quyết để kịp thời thay thế các quy định cũ không còn phù hợp nhằm giúp ngành y tháo gỡ các “nút thắt” gây khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để phục vụ người dân tốt hơn. Đây được xem như “liều thuốc” quý cho ngành y vào lúc này.
 
Những cơ chế vừa ban hành được xem như liều thuốc hữu hiệu đối với các "cục máu đông" làm tắc việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.
Ngày 3/3, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.

Ngày 4/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Đây được những cơ chế đang được ngành y chờ đợi, kỳ vọng, xem như liều thuốc hữu hiệu đối với các "cục máu đông" làm tắc việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. "Cục máu đông" này đã làm khó cho công tác điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối ở các thành phố lớn.

Cách thức tổ chức sửa nghị định và nghị quyết lần này có nhiều cải tiến mạnh mẽ, trong đó đáng chú ý là các giám đốc bệnh viện lớn – những người chịu sự tác động trực tiếp của các cơ chế, được mời cùng góp ý, thảo luận, bổ sung để làm sao các văn bản ban hành có thể đi vào ngay cuộc sống, có thể áp dụng ngay nhằm tháo gỡ triệt để các rào cản, các "nút thắt" trong việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ nhân dân.

Đơn cử như cơ chế đấu thầu. Một máy xét nghiệm trị giá nhiều chục tỷ đồng sẽ đi kèm với những hóa chất của nó... Khi đấu thầu để mua hóa chất sử dụng cho máy thì rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, chỉ có 1 báo giá. Nhưng "cơ chế" buộc phải có 3 báo giá. Mà nếu chỉ dùng 1 báo giá chính hãng thì sẽ phạm luật. Yêu cầu 3 báo giá là một biện pháp kiểm soát, tránh tiêu cực. Nhưng là bất khả thi với những loại hàng hoá độc quyền, chỉ có 1 nhà cung cấp như đặc thù của ngành y tế.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến bộc bạch, không ai dám chủ động "phá rào", vì có thể từ người tốt trở thành tội phạm, "trách nhiệm lương tâm" nhiều khi khó vượt qua được sự e ngại về cơ chế.

Có thể nói, các cơ chế vừa ban hành đã khắc phục những vướng mắc lớn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Đây là một trong hàng loạt nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua với các chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt nhằm tháo gỡ cho ngành y. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: Hoàn thiện thể chế để cán bộ yên tâm làm việc, khắc phục tâm lý sợ sai.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 3/3/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Các Bộ trưởng có liên quan tạm dừng công việc buổi chiều để tập trung góp ý, sửa, hoàn thiện Nghị định mới để thay thế Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, giải quyết dứt điểm việc khó khăn của ngành y trong việc mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế.  

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng liên tiếp có các cuộc họp, mới đây ban hành Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/2/2023 chỉ đạo Bộ Y tế rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật.

Họp khẩn với các bộ, ngành về vấn đề trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng có chỉ đạo, đốc thúc việc ban hành sớm cơ chế để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Chính phủ đã xem xét để ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm thí điểm các cơ chế chính sách để bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện đặc thù của lĩnh vực y tế cho đến khi các văn bản pháp quy có liên quan được ban hành.

Đây được xem là một quyết định dứt khoát từ cấp có thẩm quyền về việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế, bởi còn chần chừ chờ tháo gỡ thì sẽ rất nguy hiểm. Tiếp đến, về lâu dài, chúng ta cần xử lý vấn đề "gốc", là những quy định trong Luật Đấu thầu.

Gỡ vướng về cơ chế đã khó, khâu tổ chức thực hiện để cơ chế sớm đi vào cuộc sống còn khó hơn. Điều đó đòi hỏi cán bộ ngành y, nhất là các cơ sở y tế, phải khẩn trương vào việc, với tinh thần  "cứu người như cứu hỏa", làm sao ngay trong tháng 3 này, giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài, không dám chịu trách nhiệm. Chậm một ngày là có lỗi với người bệnh.

Chính phủ, các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội luôn đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của ngành y, không để ngành y "đơn độc" trong thực hiện sứ mệnh vẻ vang.

Theo Đức Tuân/Báo Chính phủ

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều