Mặt trận Tổ quốc An Giang phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

(Mặt trận) - Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát và nhấn mạnh:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công”.

Kế thừa quan điểm của các Đại hội trước, Đại hội lần thứ XII Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược, là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; trong nhiều năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp tỉnh An Giang luôn quan tâm và tham mưu cho cấp ủy có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để ngày càng tạo được sự đồng thuận xã hội, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh.

Trong công tác tuyên truyền nắm dư luận xã hội, ngoài những cách làm truyền thống như trước đây, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động biên soạn ngắn gọn tài liệu 2 thứ tiếng Việt Nam - Campuchia cung cấp cho MTTQ và các vị chức sắc, chức việc tiêu biểu ở các huyện có đông đồng bào Khmer để thực hiện công tác tuyên truyền; hàng tháng, thiết kế bảng hỏi liên quan đến các vấn đề bức xúc của người dân, cung cấp cho khoảng 500 vị báo cáo viên, cộng tác viên, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, huyện để nắm tình hình. Hàng năm, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan tổ chức 02 cuộc điều tra nắm dư luận xã hội (DLXH) về những vấn đề bức xúc, những vấn đề người dân quan tâm; tổ chức tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền...

Từ những cách làm trên, công tác tuyên truyền của MTTQ ngày càng đạt hiệu quả, việc nắm thông tin DLXH trong các tầng lớp nhân dân nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, độ tin cậy cao; thông tin có tính định lượng, kịp thời phản ánh với cấp ủy và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có giải pháp phù hợp, tạo sự đồng thuận xã hội. Kết quả của các cuộc điều tra nắm DLXH là một trong những cơ sở quan trọng góp phần nâng cao chất lượng Thông báo Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền trình bày tại các kỳ họp HĐND các cấp trong tỉnh.

Bên cạnh đó, thường xuyên duy trì các cuộc gặp gở trao đổi, thăm viếng lẫn nhau giữa các tổ chức tôn giáo, dân tộc nhân những ngày lễ trọng của các tôn giáo do MTTQ tỉnh tổ chức. Hàng năm tổ chức cho các vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu trong tỉnh đi tham quan, tìm hiểu các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng của dân tộc như: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

Thông qua các hoạt động trên, góp phần giáo dục truyền thống, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong các tín đồ tôn giáo, bà con các dân tộc nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch nhằm làm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, qua đó đã tạo điều kiện cho các vị chức sắc, chức việc, tôn giáo, dân tộc tìm hiểu, giao lưu trao đổi trong không khí vui tươi phấn khởi giữa tôn giáo với tôn giáo; giữa tôn giáo với dân tộc và giữa tôn giáo, dân tộc với Đảng, Nhà nước, Mặt trân, đoàn thể các cấp, góp phần làm tăng thêm tinh thần đoàn kết thân thiện trong khối đại đoàn kết dân tộc.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ phát động ngày càng được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; nhiều mô hình, cách làm hay thiết thực, hiệu quả ngày càng phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cụ thể như: Mô hình Hội mái ấm tình thương huyện Thoại Sơn, huyện Châu Thành, mô hình bếp ăn từ thiện xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn; mô hình thu gom rác trong tôn giáo PGVN tại xã Bình Mỹ huyện Châu Phú, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành; mô hình Tín đồ PGHH tham gia phòng chống tội phạm; mô hình toàn dân đoàn kết bảo vệ đường biên cột mốc; mô hình khóm, ấp tự quản về an toàn giao thông; mô hình khu dân cư không tội phạm; mô hình lắp đặt Camera ở các tuyến, khu dân cư khóm, ấp để phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự; mô hình đoạn đường an toàn giao thông…; huyện Phú Tân duy trì tốt việc tổ chức họp mặt chức sắc, chức việc, tín đồ tiêu biểu các tôn giáo định kỳ hàng quí; huyện Tịnh Biên, hàng năm duy trì việc phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động hỗ trợ 3000 phần quà, cất 10 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt, trong năm 2017 để nâng cao hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong các Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 27-KH/TU phát động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thực hành tiết kiệm mỗi ngày tiết kiệm ít nhất1000 đồng/ người để góp phần thực hiện an sinh xã hội,các chính sách: Đền ơn đáp nghĩa, xã hội công đoàn và  khuyến học trong tỉnh.

Song sóng đó, MTTQ một số địa phương trong tỉnh duy trì thường xuyên việc tham mưu cho cấp ủy tổ chức các cuộc đối thoại, lắng nghe những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân; nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường...; từ đó hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, xây dựng được niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội từng bước được tăng cường; dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh lao động, sản xuất, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo ở địa phương. Bình quân hàng năm Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận tiền và hiện vật quy tiền từ khoảng 100 đến 150 tỷ đồng để hỗ trợ cất mới, sửa chữa hàng ngàn căn nhà Đại đoàn kết; thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp khó khăn đột xuất, hỗ trợ học hành, khám chữa bệnh, sản xuất cho hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo, hộ khó khăn và thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, hàng năm ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, MTTQ các cấp còn huy động từ 1-2 tỷ đồng để thực hiện công tác đối ngoại nhân dân.

Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường trực Tỉnh ủy; Hướng dẫn tận tình của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng với sự năng động sáng tạo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua các hoạt động của MTTQ, đã tạo được sự đồng tình, phấn khởi trong các tôn giáo, các dân tộc và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần củng cố và phát huy  sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng tỉnh An Giang, quê hương Bác Tôn kính yêu ngày càng giàu đẹp, văn minh và tiến bộ.

Thanh Khiết - MTTQ tỉnh An Giang

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều