Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội: Phản biện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ

Ngày 8/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội vào Đề án: “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Quang cảnh Hội nghị phản biện. (Ảnh: TA)

Theo Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, Hà Nội sẽ phải di dời 197 khu dân cư với 30.230 hộ dân, tương ứng 129.567 nhân khẩu, diện tích 2.854,87ha, tổng chi phí khoảng 100.000 tỷ đồng. Căn cứ quy hoạch này, Hà Nội chỉ phải di dời 9 khu dân cư với 1.900 hộ, thay vì phải di dời 197 khu với 30.230 hộ dân như quy hoạch cũ. Các khu vực còn lại sẽ được tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có… 

Trước khi tổ chức Hội nghị, MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã tổ chức Đoàn đi khảo sát thực tế nội dung nêu trên ở một số địa bàn. Qua trao đổi trực tiếp của các thành viên trong Đoàn cho thấy, nhân dân đồng tình cao với việc điều chỉnh quy hoạch lần này của UBND Thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học nhất trí cao và mong Chính phủ, Thành phố có giải pháp hữu hiệu để triển khai thực hiện có hiệu quả, tránh hiện tượng quy hoạch treo dẫn đến ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, nhất là quận có sông Hồng và sông Đuống chảy qua. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, vùng quy hoạch thoát lũ phải được đánh giá kỹ và phù hợp với thực tiễn của từng vùng, từng địa phương, hạn chế tối đa việc di dời các công trình an sinh xã hội, nhà ở. Công tác giải phóng mặt bằng vùng thoát lũ, vùng phát triển sản xuất canh tác cần hợp lý và công khai minh bạch để mọi người dân được biết.

Các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh đến việc khi quy hoạch được phê duyệt phải tổ chức ngay việc cắm mốc thoát lũ để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cũng như địa phương có kế hoạch phát triển đầu tư xây dựng các công trình, nhà ở. Đối với những khu vực nằm trong vùng thoát lũ, phải xác định rõ những công trình văn hóa, di tích cần được bảo tồn, các hạng mục được phép đầu tư để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, các công trình phục vụ dân sinh. Kiên quyết xử lý các công trình, nhà ở… cố tình xây dựng trái phép nằm trong vùng lũ. Trường hợp những khu dân cư đã tồn tại lâu năm, nhưng mật độ xây dựng đã vượt quá 5%, đề nghị Thành phố cần cân nhắc xem xét khoa học, hợp lý và phù hợp thực tiễn địa phương để điều chỉnh mật độ xây dựng lên 15%.

Các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh đến việc xây dựng đường hành lang ven sông để tạo tuyến đi bộ cùng với môi trường sinh thái, du lịch,…; nạo vét khu vực bãi giữa, các dòng chảy vừa đảm bảo thoát lũ, vừa đảm bảo môi trường sinh thái. Cần có quy hoạch chi tiết danh giới các bãi sông để có kế hoạch xây dựng, quản lý an ninh trật tự cũng như khai thác kinh doanh cảnh quan du lịch…

Theo Trung Anh/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều