Mặt trận và các đoàn thể còn lúng túng trong công tác giám sát

(Mặt trận) - Đây là đánh giá của ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khi dẫn đầu đoàn kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị tại huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu ngày 9/7.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc tại huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Phát biểu gợi ý tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết: Trong những nhiệm vụ của công tác Mặt trận, có vai trò của 5 tổ chức chính trị - xã hội thành viên. Trong 5 chương trình trọng tâm, đặc biệt có chương trình 3 là phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trong nhiều nội dung, đặc biệt có nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Hiện nay, để xây dựng khối đại đoàn kết, cần phát huy tốt hơn nhiệm vụ này…

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh thêm: Mục đích buổi làm việc của đoàn là để các tổ chức hội đoàn thể chính trị - xã hội đưa ra những ý kiến đóng góp, những cách làm hay, mới và nêu những khó khăn, tồn tại để đoàn ghi nhận và có đề xuất sửa đổi làm sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Từ kết quả thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 mấy năm vừa qua, đề nghị địa phương đề xuất phương thức hoạt động cho 5 năm tới.

Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoà Bình, thời gian qua, huyện Hoà Bình thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị đạt nhiều kết quả đánh ghi nhận, cụ thể đối với nhiệm vụ giám sát: Nội dung, nhiệm vụ và chủ đề luôn thay đổi theo từng năm. Đầu năm 2018, MTTQ huyện đã thành lập được đoàn giám sát do MTTQ chủ trì.

MTTQ các cấp trong huyện đã thực hiện khá hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở thời gian qua, nổi bật nhất của MTTQ huyện là trong giám sát để tham gia xây dựng chính quyền, là khi phát hiện những gì hệ thống chính quyền chưa làm đúng, chưa làm tốt thì kiến nghị ngay đến thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó và cả UBND huyện khi có liên quan đến sự lãnh đạo; trong dự tiếp xúc cử tri, giám sát cùng Thường trực HĐND, các ban của HĐND và Viện Kiểm sát nhân dân, phát hiện những vấn đề, MTTQ kiến nghị đề xuất cụ thể, rõ ràng trên cơ sở các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật và theo dõi, kiên trì đến cùng khi thực hiện được mới thôi kiến nghị.

Điển hình vụ việc năm 2015, qua phản ánh bức xúc của quần chúng nhân dân về việc Văn phòng Công chứng Hoa Bình của huyện Hoà Bình thu các loại phí công chứng, chứng thực rất cao so với quy định Nhà nước, MTTQ đã nắm tình hình, thu thập các chứng cứ, xin ý kiến chỉ đạo của Huyện uỷ và được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ủng hộ cao. Sau đó Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu có Công văn số 148/MTTQ-BTT về việc chuyển nội dung kết luận việc kiểm tra của Sở Tư pháp về sai phạm của Văn công Chứng Hoa Bình đến MTTQ huyện, Sở Tư pháp, UBND tỉnh và được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm đối với Văn phòng Công chứng Hoa Bình với số tiền 5 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, Văn phòng Công chức Hoa Bình tiếp tục sai phạm, MTTQ kiên trì gửi nhiều văn bản đấu tranh với Sở Tư pháp và kiến nghị đến UBND tỉnh và ý kiến của MTTQ tỉnh. Kết quả UBND tỉnh đã cho phép UBND 5 xã, thị trấn của huyện được quyền công chứng, chứng thực theo tinh thần Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch…, được nhân dân 5 xã, thị trấn rất mừng và đánh giá cao về việc làm trên của MTTQ.

Hay như năm 2016, huyện giao UBND xã làm chủ đầu tư xây dựng đoạn lộ ấp 33, dài 1.500 với tổng dự toán công trình là 986 triệu đồng, nhiều nhà thầu xin tham gia thi công công trình trên. Tuy nhiên MTTQ xã yêu cầu được tham gia phản biện dự án trên. Qua tham khảo, các thành viên trong quá trình giám sát đầu tư cộng đồng, cho thấy doanh nghiệp Tây Đô có kinh nghiệm, năng lực và thi công đảm bảo chất lượng, đồng thời chấp nhận thực hiện với tổng mức chi phí là 900 triệu đồng, thấp hơn dự toán. Từ đó MTTQ mạnh dạn đề xuất UBND xã giao cho doanh nghiệp Tây Đô thi công công trình này, nhờ đó đã giảm cho xã số tiền trên 85 triệu đồng, đến nay đã gần 3 năm nhưng chất lượng của con lộ này vẫn đảm bảo theo thiết kế…

Đoàn công tác làm việc tại huyện Hoà Bình.

Nhân dịp này Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoà Bình cũng kiến nghị, việc MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát đối với cấp ủy, chính quyền cùng cấp là rất khó khăn và không hiệu quả, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Do đó, để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của MTTQ, đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng dẫn cụ thể hơn. Đề nghị Trung ương xem xét phân bổ kinh phí và giao cơ quan Mặt trận từng cấp quản lý và sử dụng, có sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan tài chính các cấp. Còn việc phân bổ ngân sách như hiện nay, làm cho Mặt trận các cấp gần như phụ thuộc vào quyết định của người đứng đầu, khiến cho hoạt động rất khó khăn.

Ghi nhận và đánh giá những kết quả đạt được của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoà Bình trong việc thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, bên cạnh những mặt làm được, vẫn còn một số hạn chế như, nhận thức công tác giám sát, góp ý các cấp chưa đầy đủ, kể cả cấp uỷ cơ sở. Bản thân Mặt trận và các đoàn thể còn lúng túng trong việc chọn các nội dung, nhiệm vụ giám sát…

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoà Bình thời gian tới cần quan tâm xây dựng kế hoạch, lựa chọn phương thức giám sát sao cho phù hợp; quan tâm tới việc phát huy các hình thức giám sát, phản biện; phát huy có hiệu quả các lực lượng tham gia giám sát, phản biện; đẩy mạnh việc góp ý, đánh giá các mặt làm được và chưa làm được trong công tác này; thường xuyên nắm tình hình, thông tin của nhân dân; hoàn thiện cơ chế để MTTQ hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị cấp uỷ trong xác định chung các hoạt động của Đảng, cần bố trí cán bộ Mặt trận đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ; cấp uỷ cần tạo điều kiện để cán bộ mặt trận thực hiện nhiệm vụ. Cấp uỷ chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện các kiến nghị của Mặt trận trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện.

Đối với hệ thống chính quyền, cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận trong việc lựa chọn nội dung giám sát, trả lời các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận và cân đối chính sách, chế độ phục vụ cho công tác này…           

Quốc Trung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều