MTTQ Việt Nam giám sát, tham gia góp ý xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên

(Mặt trận) - Chiều ngày 1/11, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đã chủ trì Hội thảo chuyên đề “MTTQ Việt Nam giám sát, tham gia góp ý xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên - Thực trạng và giải pháp”.
 Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội thảo
Thực hiện Quyết định số 18-QĐ/TW ngày 09/7/2021 của Ban Bí thư về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên", Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được giao triển khai xây dựng 01 chuyên đề "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát, tham gia góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên - Thực trạng và giải pháp". Đây là Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, cung cấp tiền đề quan trọng góp phần vào việc xây dựng chuyên đề.

Khắc phục tư duy giám sát là “xoi mói”

 Ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam trình bày nội dung chuyên đề
Nội dung chuyên đề tập trung vào 3 chương, trong đó Chương I đề cập tới cơ sở chính trị, pháp lý về MTTQ Việt Nam giám sát, tham gia góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; Chương II đề cập tới thực trạng MTTQ Việt Nam giám sát, tham gia góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; Chương III nêu ra một số giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả giám sát, tham gia góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên của MTTQ Việt Nam.

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã cùng tập trung thảo luận để đánh giá thực trạng giám sát trong giai đoạn hiện nay từ đó khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam nói chung và những đóng góp của Mặt trận vào việc giám sát cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

 Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Nêu quan điểm, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận định, việc Mặt trận tham gia giám sát, góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên cần bám sát các quy định của Đảng nhất là Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Quy định 124 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Thực tế hiện nay, những quy định về giám sát và góp ý tổ chức cơ sơ đảng rất nhiều, rất rộng, còn có những quy định chưa thống nhất. Bởi vậy, ông Thường đề xuất cần có cơ chế, chính sách để hướng dẫn việc triển khai thực hiện việc MTTQ và các đoàn thể chính trị giám sát, góp ý xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm bảo đồng bộ, thông xuốt xuống đến địa bàn dân cư.

Cùng với xây dựng cơ chế chính sách ông Thường cũng cho rằng phải xác định rõ phạm vi giám sát của Mặt trận, trong đó việc giám sát cần tập trung vào tổ chức cơ sở đảng, đảng viên ở cơ sở, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo 
Đồng quan điểm, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cho rằng cần phải làm rõ căn cứ, vai trò chủ thể của Mặt trận khi thực hiện vai trò giám sát. Đặc biệt, cần tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên. Chỉ khi phát huy vai trò làm chủ của nhân dân được phát huy, dân chủ trong Đảng, trong xã hội được thực hành thực chất thì việc huy động tính tích cực của nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội mới hiệu quả, tham gia xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng đề xuất cần làm rõ đối tượng giám sát của Mặt trận trong đó cần quy định cụ thể ở từng cấp đối với việc giám sát đảng viên, nội dung giám sát bao gồm những gì. Hay như vai trò chủ thể giám sát của Mặt trận như thế nào cũng phải được phân định rõ.

  TS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực I phát biểu tại Hội thảo
TS. Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực I cho rằng, cần phải làm rõ hơn lý luận về cơ chế cầm quyền của Đảng và năng lực làm quyền của Đảng; làm rõ mối quan hệ giữa tổ chức đảng, tổ chức cơ sở Đảng; cơ chế giám sát và thụ hưởng của nhân dân trong phương châm công tác dân vận của Đại hội XIII.

"Cần đổi mới nhận thức của cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng và đảng viên và khắc phục tư duy giám sát là “xoi mói”, phân biệt rõ giữa phản biện và góp ý. Nếu nâng cao nhận thức này sẽ làm rõ được đây là hình thức phát huy dân chủ cần phải có trong giai đoạn hiện nay, đây chính là kênh trao đổi thông tin thiết thực đối với các thiết chế quyền lực hiện nay”, TS. Nguyễn Thị Thanh Bình nói.

Đề cập đến mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là chủ tịch Mặt trận, TS. Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, từ thực tế lắng nghe ý kiến của những địa phương đã triển khai mô hình này cho thấy, mô hình đã phát huy được vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân của hai cơ quan nên khi người đứng đầu triển khai nhiệm vụ đã thực hiện nội dung nhanh hơn, kịp thời tháo gỡ vấn đề phát sinh, khắc phục được tình trạng hành chính hóa, giúp giảm đầu mối, giảm con người, tiết kiệm cho ngân sách; … theo đúng kỳ vọng của Nghị quyết 18-NQ/TW.

Tuy nhiên việc đảm nhiệm hai cơ quan lại có nhiều bất cập, trong đó, thời gian họp nhiều, ít thời gian đi cơ sở: người đứng đầu phải sắp xếp thời gian thật sự khoa học; phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khả năng bao quát, điều hành công việc; Chế độ chính sách đối với người đứng đầu hai cơ quan đều do Ban Dân vận chi trả, trong khi phần lớn công việc lại thuộc chức năng MTTQ nên khó thanh toán; 2 trụ sở của 2 đơn vị độc lập nên hằng ngày phải nắm tình hình công việc ở cả 2 nơi; Có công việc vừa là người tham mưu cho Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo triển khai, đồng thời cũng là người trực tiếp thực hiện, không có người giám sát, kiểm tra…

“Đa số ý kiến đều cho rằng không bố trí Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đối với các tỉnh, huyện miền núi. Đối với những nơi có điều kiện như địa bàn dân cư tập trung (đồng bằng, thành thị), nếu phân công thì cần xem xét, lựa chọn những người có tâm huyết, có khả năng bao quát, điều hành công việc thì hoạt động mới hiệu quả, nếu không thì không thể hoàn thành nhiệm vụ”, TS. Nguyễn Thị Thanh Bình thông tin.

Ông Đàm Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo 
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng đồng tình cao đề nghị đánh giá sâu hơn nữa, với những dẫn chứng cụ thể, có tính định lượng về thực trạng tình hình tổ chức thực hiện ở các địa phương, từ tình hình thực trạng và yêu cầu trong thời gian tới nhất thiết phải tiếp tục hoàn thiện những quy định của Đảng và thể chế của nhà nước về giám sát, góp ý xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên; Hướng dẫn thực hiện phải đầy đủ, cụ thể, kịp thời. Công tác lãnh, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các cấp ủy cần phải được tăng cường; mô hình tổ chức, nội dung hoạt động của MTTQ VN các cấp cần phải đổi mới; chất lượng, số lượng của đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp phải được nâng lên một bước mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; về cơ chế phối hợp, chế độ chính sách cũng phải cải thiện theo hướng tích cực...

Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các giải pháp theo hướng đưa ra những giải pháp cụ thể, thực chất để nâng cao hiệu quả, hiệu lực cơ chế giám sát của Mặt trận đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên về đối tượng, chủ thể, nội dung, quy trình giám sát…

Hoàn thiện các quy định để phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam

 Quang cảnh Hội thảo
Thay mặt Đảng đoàn, Ban Thường trực, Ban Tổ chức Hội thảo, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu tham dự Hội thảo, các ý kiến đã tập trung vào nhiều vấn, nội dung về lý luận, thực trạng và các giải pháp để MTTQ Việt Nam giám sát, góp ý xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên.

Nhấn mạnh các ý kiến tại Hội thảo cơ bản thống nhất thông qua báo cáo chuyên đề, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, từ nội dung báo cáo, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, góp ý xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên.

Theo đó sẽ kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Ban xây dựng Đảng phối hợp với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tham mưu hoàn thiện các quy định cụ thể để phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhất là các nội dung về giám sát cán bộ, đảng viên tập trung việc thực hiện qui định trách nhiệm nêu gương, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống và giữ gìn mối liên hệ với nhân dân nơi cư trú.

Cùng với đó, sẽ kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các Ban xây dựng Đảng ở Trung ương hướng dẫn các tỉnh, thành ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các văn bản, chủ trương của Đảng về giám sát tổ chức đảng, đảng viên như Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; Quyết định 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư; Quy định 124 ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII).... qua đó góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò tham gia giám sát, góp ý xây dựng cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, nội dung kiến nghị cũng tập trung vào việc Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu đưa nội dung góp ý của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với tổ chức đảng, đảng viên về việc hướng dẫn đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm; Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng dẫn cụ thể về nội dung góp ý theo Quyết định 218/QĐ-TW; Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, các Ban của Đảng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực hiện các quy định của Đảng, của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, quy trình tiếp nhận thông tin, phản ánh, xử lý thông tin của người dân; phản hồi các góp ý của MTTQ, các đoàn thể chính trị, người uy tín, tiêu biểu, ý kiến của cán bộ lão thành", Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

"Thông qua báo cáo chuyên đề, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể hóa những quy định của Đảng về giám sát, góp ý xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên bằng những quy định pháp luật, sớm ban hành làm căn cứ tổ chức thực hiện", Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Đề cập đến công tác cán bộ, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng báo cáo cần kiến nghị việc kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan MTTQ thống nhất từ Trung ương đến địa phương; củng cố, kiện toàn cơ quan tham mưu chuyên sâu nhiệm vụ giám sát của MTTQ ở Trung ương và cấp tỉnh bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chủ động triển khai các nhiệm vụ Mặt trận tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời chỉ đạo Đảng đoàn Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sớm ban hành hướng dẫn công đoàn các cấp, các cơ sở công đoàn tổ chức giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc theo Quy định 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Hương Diệp - ảnh Quang Vinh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều