Nâng cao năng lực cho luật sư, luật gia thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân

(Mặt trận) - Ngày 29/6, tại trụ sở UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã chủ trì Hội nghị tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với các luật sư, luật gia thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương. Tham dự Hội nghị có Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương.
 Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị. 
Báo cáo về việc triển khai hoạt động luật sư trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã triển khai công tác đến 6 Đoàn luật sư về việc cử luật sư tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân đến khiếu nại, tố cáo tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, trong đó, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã cử 120 luật sư.

Theo Luật sư Đào Ngọc Chuyền, hoạt động trợ giúp pháp lý của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong thời gian qua đã nhận được sự chỉ đạo của MTTQ Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của Thanh tra Chính phủ, giúp cho công tác trợ giúp pháp lý luôn đi đúng hướng và đạt kết quả tốt.

Tiêu biểu, trong 6 tháng đầu năm 2022, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã cử 70 luật sư tham gia trợ giúp pháp lý với 320 vụ việc. Các lĩnh vực tư vấn pháp lý bao gồm tư vấn pháp luật, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư,...

Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Dũng, Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý, được nhân dân tin tưởng; đồng thời khẳng định, trong thời gian tới, Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất giúp các luật sư hoàn thành nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Cũng tại Hội nghị, các luật sư tham dự tập huấn đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những kinh nghiệm trong thực hiện trợ giúp pháp lý cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương, chỉ ra những nguyên nhân của hạn chế, bất cập còn tồn tại, từ đó đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

 Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải đáp các đề xuất, kiến nghị của luật sư, luật gia tham dự tập huấn. 
Giải đáp các đề xuất, kiến nghị của luật sư, luật gia tham dự Hội nghị, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, thời gian tới, việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương cần được tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả để các cơ quan giải quyết hay luật sư tham gia tư vấn và trợ giúp pháp lý cũng có thể hiểu đầy đủ về vụ việc đó đã được cơ quan nào, cấp nào giải quyết đến đâu.

Khi tiếp nhận việc tư vấn và trợ giúp pháp lý thì cần tiếp tục góp sức vào công việc này như thế nào cho phù hợp với quy định pháp luật. Bên cạnh đó cũng cần có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước đối với vụ việc khiếu kiện đông người để đảm bảo an ninh và trật tự xã hội. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, nhiệm vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương và địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng, là trách nhiệm vẻ vang của luật sư, luật gia cũng như trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của các luật sư, luật gia nhằm góp phần vào việc thực hiện pháp luật, ổn định xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, từ đầu năm 2015 đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức 6 đợt tập huấn công tác luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương với trên 1.000 lượt luật sư tham dự.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư, nhận thức pháp luật của công dân được cải thiện, số lượt công dân đến trụ sở tiếp công dân Trung ương, số vụ việc có tính chất phức tạp đã giảm đáng kể.

“Trong quá trình trợ giúp pháp lý, luật sư có thể phát hiện một số việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với pháp luật, từ đó có thể kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định pháp luật, giúp cho Ban tiếp công dân, cơ quan thanh tra nhà nước nắm thêm được việc giải quyết của các cấp mà không chỉ nghe báo cáo”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định.

 

Để phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò là một tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, có nhiều biện pháp động viên luật sư, luật gia tích cực tham gia nhiệm vụ này, đồng thời cần tăng cường giám sát việc thực hiện của các luật sư, luật gia.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng đề nghị cơ quan thanh tra nhà nước, Ban tiếp công dân Trung ương tiếp tục tạo điều kiện để các luật sư, luật gia tham gia phát huy vai trò, thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm qua các buổi tiếp dân.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực mong muốn, đội ngũ luật sư, luật gia với số lượng đông đảo, giàu kinh nghiệm, kiến thức về pháp luật trên mọi lĩnh vực sẽ thể hiện trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trợ giúp pháp lý miễn phí tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương trong thời gian tới.

Tiến Đạt

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều