Nâng cao vai trò Mặt trận trong phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 11/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ phối hợp với Ban công tác phía Nam (UBTƯ MTTQ Việt Nam), Viện FNF tại Việt Nam, Vụ Công tác Dân tộc địa phương Ủy ban Dân tộc và Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát huy vai trò của Mặt trận

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Nhân - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL có dân số hơn 17,273 triệu người. Trong đó, có 1,310 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 7,58% dân số của vùng và chiếm 9,28% số người dân tộc thiểu số cả nước. Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, tạo tiền đề khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành ĐBSCL. Mặc dù kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số duy trì ổn định, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Trung Nhân phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Trung Nhân cho biết, hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL” nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tham mưu với cấp ủy, hoạt động phối hợp với HĐND, UBND trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân và phát huy vai trò giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng ĐBSCL trong hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Vận động các nguồn lực đầu tư cho các chính sách phát triển thông qua ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc. Thông qua Hội thảo tìm ra giải pháp thiết thực trong việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Góp phần nâng cao vai trò động lực kinh tế của đô thị trung tâm vùng - thành phố Cần Thơ; kết nối, lan tỏa và phát huy những giá trị văn hóa bền vững, tốt đẹp của các dân tộc anh, em Kinh, Hoa, Khmer, Chăm,…vùng đồng ĐBSCL với các vùng miền trong cả nước và các quốc gia lân cận.

Tại hội thảo, các đại biểu đã  nghe nhiều tham luận liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã chia sẻ về “Thực trạng và giải pháp việc phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng". Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang trao đổi những kinh nghiệm của mình về "Giải pháp, chính sách thúc đẩy đồng bào dân tộc Khmer phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nâng cao đời sống".

Bên cạnh đó, đại diện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thông tin về “Thực hiện các chính sách đào tạo theo dạng “cử tuyển” cho người dân tộc vùng ĐBSCL". Thượng tọa - Tiến sỹ Lý Hùng chia sẻ về “Phát huy vai trò của sư sãi trong đời sống xã hội của người Khmer TP Cần Thơ”….

Thượng tọa - Tiến sỹ Lý Hùng phát biểu tại hội thảo.

Đẩy mạnh tôn vinh các tấm gương, người tiêu biểu điển hình

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, bên cạnh những thuận lợi, ĐBSCL cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông thiếu thốn, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, các thế lực xấu luôn lợi dụng những vấn đề về địa chính trị, văn hóa dân tộc, tôn giáo để gây ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người dân…

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Hội thảo đã đặt ra một số giải pháp cơ bản giúp Mặt trận các tỉnh, thành phố trong khu vực có thể nghiên cứu, tham khảo, vận dụng vào công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hỗ trợ nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện học tập, sản xuất vươn lên trong cuộc sống, góp phần thực hiện các mục tiêu, phát triển khu vực.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị MTTQ các tỉnh, thành cần tiếp tục triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là các phong trào thiết thực gắn với nhiệm vụ của Mặt trận, các phong trào phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn truyền thống của ấp, làng, thôn.

“Đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội. Vì giai đoạn tới có nhiều chương trình, dự án đầu tư được triển khai trong địa bàn các tỉnh, trong vùng. Để các dự án đầu tư, chính sách của nhà nước đến được với đồng bào dân tộc thiểu số cần chú ý đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện. Cần đẩy mạnh việc biểu dương tôn vinh các tấm gương điển hình người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ Mặt trận, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác tuyên truyền nắm bắt tình hình Nhân dân.”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết thêm: “Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp cần tích cực trong vai trò chủ trì, hiệp thương với các tổ chức thành viên để thống nhất nội dung hoạt động nhằm đưa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân. Nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kiến nghị với Đảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp, mang lại niềm tin, sự thỏa mãn cho người dân, đồng thời phải chủ động tham mưu với cấp ủy những giải pháp về công tác tuyên truyền; Mặt trận cần tích cực tham mưu cấp ủy chính quyền, thăm động viên bà con dân tộc thiểu số các ngày lễ, Tết…”.

Theo Thanh Tiến/Báo Đại đoàn kết

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều