Ngày Gia đình Việt Nam: Thêm yêu thương mỗi nếp nhà

Trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống càng bận rộn, gấp gáp thì con người lại càng muốn sát lại gần nhau hơn để cùng chở che, lo lắng và chia sẻ mọi điều. Dưới đây là một số góc nhìn nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

5h sáng mỗi ngày, nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn lại pha ấm trà xanh đầu tiên ngắm bình minh lên và đợi các thành viên trong gia đình tỉnh giấc. Bố anh thường uống trà nóng, mẹ anh thích trà lạnh, bản thân anh lại thích thưởng thức ly trà đầu tiên khi vừa tráng ấm, còn các con lại thích uống vị trà nhạt hơn, pha thêm đá. Mỗi ngày họ đều bên nhau như thế, duy trì thói quen này suốt nhiều thế hệ.

 

Nghệ nhân Nguyễn Cao Sơn. (Ảnh: Thanh Niên).

"Khi tôi còn nhỏ, ông bà thường mua các xách trà tươi về hãm thường xuyên. Điều ấy đã ngấm vào trong máu. Tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều chọn việc uống trà, thưởng thức trà là sinh hoạt thường nhật trong ngày. Trà là một chất dẫn. Dù là niềm vui hay nỗi buồn thì đều có thể chia sẻ thông qua chén trà. Chén trà giúp mọi người đến gần với nhau hơn".

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện ngồi bên nhau thưởng trà từ sáng sớm hay ăn chung bữa cơm muộn cuối ngày, nên nghệ nhân quạt Lân Tuyết kéo con trẻ gần mình bằng những việc làm nhỏ nhất hàng ngày như cùng nấu cơm, nhặt rau hay tán gẫu lúc tưới cây, dọn cỏ ngoài vườn.

"Bao giờ tôi cũng hướng dẫn các con làm cùng với tôi, kể cả thổi cơm vo gạo rồi vừa tâm sự, vừa chia sẻ. Thực ra nhịp sống hiện đại này không phải lúc nào cũng được như vậy nên tôi nghĩ là những ngày lễ tết phải có sự quây quần, đoàn tụ" - nghệ nhân Lân Tuyết.

 

Nghệ nhân quạt Lân Tuyết. (Ảnh: QĐND)

Cuộc sống hiện đại kéo mỗi người theo guồng quay riêng mình với nhịp sống sinh hoạt và những mối quan tâm khác nhau. Để giữ được sự kết nối trọn vẹn giữa các thành viên trong gia đình là không hề dễ dàng nhưng với nhiều người, sự kết nối ấy vô cùng quan trọng, dù chỉ là những việc làm rất nhỏ. Đó có thể là duy trì thói quen “có bát rau cần con cũng mang sang”, cũng có thể là việc thường xuyên biểu lộ những cử chỉ, hành động yêu thương.

Sợi dây bền chắc nhất kết nối các thành viên trong gia đình với nhau không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà hơn cả là tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia từ suy nghĩ đến hành động. Thế nên dù xuất phát điểm là cố gắng nói chuyện mỗi ngày với ông nội để ông vui vẻ thì sau, trò chuyện với ông đã trở thành điểm tựa tinh thần mà Phương Hoài luôn mong muốn.

"Gặp ông, em nói chuyện vui như gặp người bạn thân vậy. Em cảm thấy rất may mắn vì mình có ông để nói chuyện. Mỗi lần nói chuyện với ông em thấy ông vui vì ông được chăm sóc mà chính bản thân em thấy rất thanh thản. Đấy thực sự là giây phút gia đình truyền thống mà chúng ta cần lưu giữ" - bạn Phương Hoài chia sẻ.

Cùng vào bếp, cùng ăn cơm hay thưởng trà bên nhau, những yếu tố “cùng nhau” ấy đã kéo các thành viên xích lại gần nhau hơn, góp phần gìn giữ giá trị gia đình truyền thống trong cuộc sống hiện đại. Nét đẹp văn hóa này đã trở thành một phần của bản sắc dân tộc Việt.

Cùng nằm trong khu vực văn hóa châu Á, nhưng tại Nhật Bản, gia đình hạt nhân (nghĩa là gia đình nhỏ, nhiều nhất chỉ có hai thế hệ, hoặc chỉ có vợ chồng không sinh con ở cùng nhau) trở nên phổ biến và rõ nét. Điều này khiến cho sự gắn kết gia đình lớn (nhiều thế hệ) trở nên lỏng lẻo, mối quan tâm giữa con cái với cha mẹ phần lớn chỉ là trách nhiệm.

Theo anh Bùi Hùng, phóng viên VOV tại Nhật Bản, đây chính là nguyên nhân khiến xã hội Nhật Bản có tỉ lệ người cô đơn cao trên thế giới: "Việt Nam vẫn còn giữ được điều đó và cũng là điều mà Nhật Bản đang mong muốn có được. Sau sự phát triển về kinh tế, nếu không hài hòa việc duy trì, phát triển văn hóa truyền thống gia đình, thì con người ở góc độ nào đó cảm thấy lạc lõng, cô đơn ngay trong chính gia đình hay xã hội của mình. Điều này rất nguy hiểm, bởi nó tạo nên sự ích kỷ, dã man và suy đồi. Với kinh nghiệm từ Nhật Bản, hy vọng sự gắn kết trong gia đình Việt Nam sẽ tạo nên sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển".

Hạnh phúc đôi khi chỉ được bắt đầu bằng một lời nói, một hành động nhẹ nhàng, một câu hỏi thăm chân thành. Đơn giản là thế nhưng lại đủ để ấm lòng mỗi người và nhân lên nhiều yêu thương hơn. Yêu mẹ, yêu cha, yêu chị, yêu anh... tiếng yêu ấy sẽ càng chân thành khi được cất lên với tấm chân tình, lòng thành ý với những hành động, việc làm dù nhỏ nhất./.

Theo Bích Ngọc/VOV1

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều