Nhân lên ý chí, sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19

(Mặt trận) - Nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 134 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2020) và Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2020), đặc biệt sau 45 ngày phát động “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã có bài viết về sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong những tháng ngày lịch sử này.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao số tiền phân bổ đợt 1 cho Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Trong những ngày này, nhân dân cả nước đang vui mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Đại thắng mùa Xuân 1975 để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên tất cả các lĩnh vực: đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội; trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học, học tập; trong thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và nhiều lĩnh vực khác, để vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Những năm gần đây, đất nước liên tục đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị. Các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, y tế, thể thao… đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ ngày 23/1/2020, dịch Covid-19 được xác định ở Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc chiến đầy cam go, thử thách.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để cứu người thoát dịch; coi con người là vốn quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi; Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục; ban hành kết luận, chỉ thị, quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai, ứng phó và ngăn chặn dịch lây lan. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”. Các ban, bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ. Toàn lực lượng các ngành y tế, quân đội, công an đã phối hợp chặt chẽ cùng các ngành chức năng đồng loạt ra quân. Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, bài bản, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước viết “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động, kịp thời quán triệt, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân được thực hiện với nhiều hình thức; vận động nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch đã được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất quyết tâm cùng Đảng, Nhà nước bằng mọi biện pháp, tập trung phòng, chống dịch bệnh. Ban Thường trực chủ động điều chỉnh kế hoạch, phân công công tác, tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch; tổ chức hội nghị trực tuyến, ban hành nhiều văn bản tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố. Các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, các tổ chức tôn giáo để thống nhất yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Hầu hết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã tổ chức phát động; các tổ chức thành viên là các tổ chức tôn giáo đều có văn bản triển khai đến các chức sắc, chức việc, tín đồ về việc phòng, chống dịch bệnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân và phản ánh, đề xuất, kiến nghị với cơ quan chức năng.

Ở địa phương, phát huy vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, người uy tín trong cộng đồng, trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, triển khai tuyên truyền đến từng địa bàn khu dân cư, hộ gia đình với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Điển hình như, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình “Chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra” kết hợp với vận động hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc cho người nước ngoài trên địa bàn. Thành phố Đà Nẵng phát 7.000 tờ khai báo y tế và 19.000 tờ rơi, vận động 1.667 cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn ký cam kết tạm dừng kinh doanh; thành lập 171 Tổ phòng, chống dịch bệnh tại khu dân cư. Thành phố Hải Phòng, tỉnh Ninh Thuận gặp gỡ, vận động linh mục, chức sắc, chức việc các nhà thờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Bắc Ninh vận động người dân khai báo sức khỏe y tế điện tử trên hệ thống nCovi. Tỉnh Vĩnh Phúc vận động nhân dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên thực hiện tốt các quy định cách ly để phòng, chống dịch. Tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền việc kiên trì thực hiện phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”. Tỉnh Bình Phước phối hợp với Ban Dân vận và các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 tới cán bộ, công chức…

Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, nổi bật như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tuyên truyền, đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, hướng dẫn Công đoàn trong các doanh nghiệp chủ động bàn giải pháp chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch bệnh, khen thưởng, động viên, ghi nhận cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức có thành tích trong phòng, chống dịch. Hội Nông dân Việt Nam triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng năng lực sản xuất, tìm thị trường mới, phát triển chuỗi cung ứng trong thị trường nội địa. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vận động thanh niên tạm hoãn hoặc giảm quy mô đám cưới; lắp đặt các trạm rửa tay dã chiến; tổ chức các hoạt động tình nguyện “Ngày làm việc tốt”; thành lập các Đội phản ứng nhanh; thực hiện "gõ cửa từng nhà" khai báo y tế. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin đến hội viên thông qua zalo, facebook; tổ chức tuyên truyền với 72.944 cuộc, phát trên 3,1 triệu tờ rơi, đăng gần 1,3 triệu tin, bài. Hội Cựu chiến binh Việt Nam phổ biến, quán triệt công tác phòng, chống dịch cho gần 3 triệu hội viên; phát hành 145.000 bản tin nội bộ. Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện và hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam lồng ghép nội dung tuyên truyền, khuyến cáo của Bộ Y tế trong các bài giảng, thuyết pháp; dừng tổ chức các khóa tu, thuyết pháp định kỳ và các sự kiện. Các thành viên, hội viên có kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực y khoa của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ cộng đồng phòng, chống dịch bệnh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vận động các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước ủng hộ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động…

Để cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng, chống dịch, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, ngày 17/3/2020 Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”. Tại trụ sở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như cơ quan Mặt trận 63 tỉnh, thành phố trong cả nước những ngày sau đó đã đón nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đến ủng hộ phòng, chống dịch. Thông điệp của lòng yêu thương đã lan tỏa mạnh mẽ; thật xúc động khi được tiếp đón, tiếp nhận rất nhiều sự ủng hộ dù ít, dù nhiều từ tấm lòng của các cụ, các bác lớn tuổi đến các cháu thiếu nhi; từ những người có điều kiện kinh tế hay đang còn khó khăn; của các tổ chức tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế; các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân; từ các thầy cô giáo đến các em học sinh; từ các chiến sỹ công an, quân đội đến huấn luyện viên bóng đá, các cầu thủ, nghệ sỹ và rất nhiều những cô bác, anh chị với nhiều nghĩa cử cao đẹp.

Tính từ khi phát động đến ngày 28/4/2020, số tiền, hiện vật các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ và đăng ký ủng hộ phòng, chống dịch được hơn 1.900 tỷ đồng (trong đó thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gần 903 tỷ đồng; tại 63 tỉnh, thành phố, tổng số tiền, hàng ủng hộ và đăng ký ủng hộ được hơn 1.025 tỷ đồng; ủng hộ bằng tin nhắn thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia đầu số 1407 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam và Bộ Y tế phát động từ ngày 19/3/2020 được khoảng hơn 150 tỷ đồng). Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực đã chuyển tiền ủng hộ tới Bộ Y tế để mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời chuyển hiện vật tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… để có thêm những đồ dùng, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ tại các địa điểm cách ly trên cả nước.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng ghi nhận sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong suốt thời gian qua; đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao Mặt trận Tổ quốc các địa phương đã thường xuyên phối hợp, kịp thời hưởng ứng thực hiện hiệu quả ngay sau khi phát động, nhất là các đồng chí ở cơ sở, đã rất vất vả, cực nhọc trong quản lý, theo dõi, phục vụ tại các khu vực cách ly; chân thành cảm ơn sự tích cực, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan truyền thông ở Trung ương và các địa phương; sự chủ động, sáng tạo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã góp phần mang lại kết quả rất đáng ghi nhận. Tôi bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng, chia sẻ về những nhọc nhằn, sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành y tế, lực lượng quân đội, công an, đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài trong cuộc chiến với đại dịch.

Qua quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta những kinh nghiệm quý:

1. Đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Kết luận số 172 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến đấu chống đại dịch đã thể hiện ý chí, sức mạnh của tinh thần đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta”. Trong đó nổi bật là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ ngành ngoại giao, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương… đã vào cuộc quyết liệt, quyết đoán với thông điệp quan trọng là “chống dịch như chống giặc”, không ai đứng ngoài cuộc.

2. Thực hiện có hiệu quả những nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và phương châm 4 tại chỗ: chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, cùng với tinh thần quyết tâm, ý thức trách nhiệm của toàn dân. Đã có nhiều người tự nguyện ủng hộ tiền, vật chất, người trong khu vực cách ly cũng tham gia ủng hộ. Nhiều văn nghệ sỹ tham gia sáng tác thơ, ca, cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần cho cuộc chiến. Nhiều phóng viên báo chí trực tiếp cùng xung trận, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch…

3. Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh, qua những tin nhắn từ Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp thông tin chính thống, minh bạch, giúp mỗi người dân tiếp cận liên tục, kịp thời để hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và cách phòng ngừa. Những thông tin về diễn biến của bệnh được cơ quan chức năng cập nhật và thông báo công khai trên trang thông tin của Bộ Y tế và các phương tiện truyền thông, giúp người dân tin tưởng, có cách ứng phó hợp lý.

4. Bên cạnh việc phòng, chống dịch bệnh, cả nước còn phải tập trung nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã công bố chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ giá điện, giá viễn thông, chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư… để khởi động lại, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ người dân.

5. Trong bối cảnh dịch bệnh, việc thích nghi, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, linh hoạt điều chỉnh thời gian, phân công việc, nhất là việc áp dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, thực hiện công việc đang là giải pháp phù hợp, hiệu quả, cần thiết, để vừa ưu tiên phòng, chống dịch vừa đảm bảo yêu cầu công tác, thực hiện các nhiệm vụ chính trị hay việc dạy, việc học tập của các thầy cô giáo, của các em học sinh…

Chúng ta đã thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, chi phí thấp được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao. Có thể nói, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; nhiệm vụ hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc các cấp là tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thật tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại hội nghị của Bộ Chính trị ngày 23/4/2020 và Chỉ thị số 19, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Sát cánh cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền động viên nhân dân huy động nguồn lực, khắc phục hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giúp nhau ổn định cuộc sống; lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp trong xã hội, nhân rộng những mô hình, sáng kiến, sáng tạo giúp cá nhân, gia đình, cộng đồng hay hợp tác xã, doanh nghiệp… vươn lên mạnh mẽ trong khó khăn, thử thách. Phát huy ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nắm bắt tình hình khó khăn của các tầng lớp nhân dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và xâm nhập mặn, hạn hán gây ra, kịp thời báo cáo, phản ánh, đề xuất với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng để chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân. Thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với việc vận động, tiếp nhận, quản lý, phân bổ tiền, hiện vật của các tầng lớp nhân dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh, nhất định không để xảy ra sai sót. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp cùng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai giám sát hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 42, ngày 9/4/2020 và Quyết định số 15 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, để các nguồn hỗ trợ đến đúng đối tượng, kịp thời.

Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 134 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2020) và hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2020), chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc hơn về sức mạnh lòng dân và tình nghĩa đồng bào, về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về tính ưu việt, nhân văn của chế độ ta, về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước. Chúng ta tin tưởng rằng, mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đồng bào trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm khắc phục khó khăn, chung sức, đồng lòng, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh hơn nữa các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để góp phần khắc phục nhanh hậu quả của dịch Covid-19, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo khí thế mới trong quá trình tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trần Thanh Mẫn

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều