Nhiều ý kiến đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và một số dự án luật quan trọng

(Mặt trận) - Chiều 27-5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH một số tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hóa... đã thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thảo luận tại tổ, Đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND Tỉnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết Bộ luật Lao động năm 2019 được thông qua và thay thế Bộ luật Lao động năm 2012 đã gần 4 năm. Đến nay, Luật Công an nhân dân sửa đổi đề cập đến độ tuổi nghỉ hưu để tương thích với Bộ luật Lao động là một bước rất thận trọng. 

Nhận định Công an nhân dân là lực lượng vũ trang có yếu tố đặc thù, đại biểu Triệu Thế Hùng cơ bản nhất trí với dự thảo luật. Tuy nhiên, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nữ sĩ quan, hạ sĩ quan cần được đánh giá thêm. Nguyên nhân là vì cũng là nữ sĩ quan ở cùng cấp bậc nhưng trong lực lượng có thể khác nhau ở văn phòng, ở vùng đặc biệt vất vả, khó khăn như biên giới, hải đảo. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được lấy ý kiến đối với những đối tượng chịu chính sự tác động của luật này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 27.5. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Đại biểu Triệu Thế Hùng cho rằng trong dự thảo nên mở theo hướng việc tăng độ tuổi nghỉ hưu phải có điều kiện về sức khỏe hoặc có sự thống nhất, tương đồng với Bộ luật Lao động. "Tôi biết đối với ngành công an là thực hiện theo lệnh nhưng ở những nơi đặc biệt khó khăn như thế và người thực hiện nhiệm vụ đã cống hiến một thời gian dài rồi lại phải kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu nữa là cả một vấn đề mà chúng ta cần cân nhắc thêm khi làm luật", đại biểu Triệu Thế Hùng nói.

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân. ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần xem xét quy định lại cho chặt chẽ tại điểm b, Điều 25 quy định Thượng tướng không quá 7, gồm: Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6; Sĩ quan Công an Nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị cần nghiên cứu, có lộ trình cụ thể và phân loại từng đối tượng quy định về hạn tuổi phục vụ của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan Công an Nhân dân.

Các Đại biểu đoàn Thanh Hoá thảo luận tại tổ - Ảnh Báo Thanh Hoá 

Thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan Công an Nhân dân tính từ ngày 1-1-2021 là không phù hợp, mà phải được xem lại từ khi luật này có hiệu lực.

Về quy định Cấp úy, Thiếu tá, Trung tá, Thượng tá giỏi chuyên môn, nghiệp vụ có sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng không quá 62 tuổi đối với nam, không quá 60 tuối đối với nữ, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị không nên kéo dài tuổi phục vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, bởi vì những quy định này căn cứ rất định tính.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, ĐBQH Phạm Thị Xuân, Thư ký Tòa án Nhân dân huyện Quan Hóa cho rằng: Tại Khoản 2, Điều 1 sửa đổi bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Công an Nhân dân, cần cân nhắc rà soát kỹ các tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc, làm rõ khái niệm công tác để tránh trùng lặp; cân nhắc bỏ tiêu chí “học tập” để bảo đảm tính khả thi đối với chức năng, nhiệm vụ chính của lực lượng công an nhân dân được quy định tại Điều 3, Luật Công an Nhân dân năm 2018.

Bên cạnh đó, cùng với việc giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn như trên, đề nghị cân nhắc việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chí tiêu chuẩn được xét thăng cấp, hàm trước thời hạn cho cấp úy và cấp tá để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện chế độ chính sách của toàn lực lượng Công an Nhân dân.

Đối với Khoản 4, Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 30 Luật Công an Nhân dân, đại biểu Phạm Thị Xuân cũng cho rằng: Việc nâng tuổi phục vụ của công an nhân dân, hạ sĩ quan, sĩ quan công an theo tiến trình tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang. Làm rõ việc quy định thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 1-1-2021- thời điểm trước khi Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) lần này có hiệu lực để bảo đảm tính thống nhất với Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành. Vì Luật Ban hành văn bản QPPL quy định rõ hiệu lực trở về trước của văn bản QPPL như sau: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản QPPL của các cơ quan Trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.

Tại Điểm C, Khoản 4, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 30 Luật Công an Nhân dân, đại biểu Phạm Thị Xuân đề nghị cân nhắc, làm rõ quy định tại khoản 3, Điều 30 về trường hợp đặc biệt. Cụ thể, đặc biệt ở đây là như thế nào? Thời gian kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ tối đa là thêm bao nhiêu năm? Cấp nào có thẩm quyền quyết định kéo dài đề làm cơ sở cho việc thực hiện luật khi có hiệu lực?

Tại tổ của đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, An Giang các Đại biểu đã tham gia ý kiến vào các dự thảo luật, các đại biểu trong tổ thảo luận nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội và sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng, bố cục, nội dung cơ bản của dự án luật. 

Quang cảnh thảo luận tại tổ ĐBQH các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, An Giang

Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công an nhân dân (CAND), thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; kịp thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

Góp ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đồng tình với đề xuất bỏ điểm a, c khoản 2 Điều 15 Luật hiện hành quy định về việc trực tiếp đến nộp các loại giấy tờ chứng minh thông tin cơ bản của cá nhân và bổ sung khoản 9 Điều 15 về cho phép người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông nộp hồ sơ trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa tối đa về thủ tục cho người dân có nhu cầu được cấp, sử dụng hộ chiếu phổ thông, tiết kiệm được chi phí, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý của cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. 

Về thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài tại nội dung Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 16, việc bổ sung quy định các loại giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng đảm bảo giảm tối đa các thủ tục hành chính cho người xin cấp hộ chiếu phổ thông, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, nhiều bản sao giấy tờ, không phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Khoản 7 Điều 1 quy định về hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc đối với trường hợp đã quá 12 tháng kể từ ngày hẹn nhận kết quả đề nghị cấp hộ chiếu mà không đến nhận hộ chiếu, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) kiến nghị xem xét, cân nhắc quy định này vì có nhiều trường hợp công dân không đến nhận do lý do khách quan, bất khả kháng; bên cạnh đó hiện nay có rất nhiều phương thức gửi kết quả hỗ trợ công dân qua hình thức bưu chính; dịch vụ chuyển phát, không cần công dân phải trực tiếp đến nhận hộ chiếu. Trong trường hợp chuyển phát bị hoàn lại sẽ hủy, tuy nhiên cần bổ sung quy trình huỷ, ví dụ cần có thời gian công bố trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử và sau thời hạn quy định theo thông báo, công dân không đến nhận thì có cơ sở để huỷ... 

Tại Điểm a, khoản 8 Điều 1 quy định về việc hủy giá trị hộ chiếu phổ thông, đại biểu cho rằng quy định thời gian 48 giờ theo dự thảo là thời gian ngắn, có trường hợp bị quên, thất lạc không tìm thấy, nhưng vài ngày họ lại tìm thấy trong khi hộ chiếu đã bị báo và bị hủy, do vậy cân nhắc để thời gian dài hơn đối với trường hợp báo mất hộ chiếu phổ thông.

Phát biểu tổng kết nội dung thảo luận, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu góp ý vào 2 dự án Luật và giao Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ nội dung các ý kiến phát biểu gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Hoàng Dương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều