Nỗ lực bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), năm 2022, NHNN đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị.

Về điều hành lãi suất: trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh (tính từ đầu năm 2022 đến nay, có tổng cộng 340 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu) và áp lực lạm phát trong nước gia tăng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành, cụ thể: 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại TCTD với tổng mức tăng 0,8-2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022); tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (vào ngày 25/10/2022).

Đây là giải pháp kịp thời, phù hợp xu hướng chung trên toàn thế giới để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tạo dư địa thích ứng với các biến động trên thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Trong điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ: với nhiều nỗ lực, cố gắng trong làm việc và đàm phán của Chính phủ và NHNN, ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Theo đó, trong kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Mặc dù chịu nhiều khó khăn, thách thức, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế. Hoạt động trên thị trường, ngoại tệ về cơ bản diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các TCTD đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Về điều hành tín dụng chung: căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, NHNN đã thực hiện điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản (nhất là kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp...); tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Đến tháng 11/2022, tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của TCTD cải thiện hơn, NHNN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các TCTD. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Bên cạnh việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các TCTD chủ động cân đối vốn phù hợp đề cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao); các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án bất động sản nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, bảo đảm tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Với hệ thống các chỉ đạo và giải pháp đồng bộ của NHNN, đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so cuối năm 2021, tăng 13,96% so cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát; dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30/11/2022 đạt khoảng 279.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP, ngành Ngân hàng đã rất tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách, như: ban hành Thông tư hướng dẫn, Chỉ thị chỉ đạo và nhiều văn bản đôn đốc các ngân hàng thương mại và chi nhánh NHNN 63 tỉnh, thành phố; tổ chức các Hội nghị toàn quốc và các hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tại địa phương; thành lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; các ngân hàng thương mại chủ động rà soát để nắm bắt nhu cầu, thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục; tích cực truyền thông, thông tin về chính sách; khảo sát, nắm bắt thực tế triển khai tại địa phương.

Tiếp tục triển khai một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn tại TCTD. Đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách), các TCTD đã thực hiện: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế hơn 722 nghìn tỷ đồng với gần 1,1 triệu khách hàng; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 92 nghìn tỷ đồng với gần 562 nghìn khách hàng; tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...

Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; ban hành và triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng để triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.

Về cơ bản sự ổn định, an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững. Năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành, các chuẩn mực, thiết chế an toàn của hệ thống TCTD từng bước được củng cố, tiệm cận thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, nhờ tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn.

Về thanh toán không dùng tiền mặt: trong 11 tháng năm 2022, hoạt động này đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ năm 2021. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức mã QR tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%...

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Đức Ấn nhấn mạnh, ngay từ đầu năm, Agribank, đã đặt ra nhiều kịch bản nhưng chủ động điều hành theo kịch bản khó khăn nhất, vì vậy, kết quả đạt được rất tích cực trên nhiều phương diện: hiện nay, dư nợ tín dụng của Agribank đạt hơn 1 triệu 450 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 65% phục vụ cho tam nông, góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen.

Trong điều kiện khó khăn, Agribank đã thể hiện rõ nét vai trò của ngân hàng thương mại nhà nước lớn trong tuân thủ pháp luật, thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, là công cụ quan trọng của Nhà nước góp phần ổn định thị trường tiền tệ, đặc biệt trong điều kiện khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Agribank đã triển khai các giải pháp tăng nguồn thu, kiểm soát chi phí hợp lý, đặc biệt triển khai chương trình giảm lãi đặc biệt để hỗ trợ và khuyến khích trả nợ cho khách hàng có nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, qua đó ngoài việc bảo đảm lợi nhuận, làm cơ sở tăng vốn điều lệ, Agribank đã áp dụng lãi suất phù hợp cho khách hàng, đồng thời dành gần 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn, khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khách hàng là những đối tượng ưu tiên theo Nghị định 31.

Agribank kiến nghị, do vốn điều lệ thấp, nên theo quy định, quy mô tín dụng hiện tại của Agribank không bảo đảm hệ số an toàn vốn tối thiểu để tăng trưởng tín dụng, do đó, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức thấp hơn so bình quân toàn hệ thống, vì vậy việc tăng vốn điều lệ cho Agribank là rất cấp thiết, trong khi chờ Quốc hội phương án tăng vốn 3 năm, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp năm 2023.

Việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định 31 Chính phủ, mặc dù được triển khai rất quyết liệt từ Chính phủ, NHNN, ngân hàng thương mại nhưng kết quả còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, đặc biệt tâm lý e ngại từ chính khách hàng vay vốn. Vì vậy, gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước theo chương trình này cần được xem xét, chuyển đổi hình thức sang chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước hoặc cơ chế miễn, giảm thuế đối với những đối tượng cần được hỗ trợ.

Những khó khăn từ các yếu tố trong nước và quốc tế ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp, vì vậy, khả năng trả nợ trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy cơ nợ xấu cao, ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, vì vậy NHNN cần sớm xem xét cơ chế cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng còn khó khăn trong dòng tiền trả nợ cho ngân hàng trong năm 2023.

Ngoài ra, hiện nay xuất hiện nhóm khách hàng có cấu trúc phức tạp, dùng nhiều thủ thuật để lách quy định, che giấu ngân hàng về mục đích sử dụng vốn để đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản, tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng cũng như tác động tiêu cực nền kinh tế. Vì vậy cần có cơ chế ngăn chặn, đồng thời kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, trong đó đặc biệt là về hệ số sử dụng vốn vay, vốn huy động lớn.

Chính phủ và các bộ, ngành cần có chương trình hỗ trợ, kiểm soát thị trường bất động sản để tránh khủng hoảng đối với thị trường này, gây nhiều hệ lụy tiêu cực đối với các ngành khác; đồng thời giải quyết triệt để bài toán đầu cơ, thổi giá bất động sản như thời gian qua, gây thiệt hại cho người dân có nhu cầu nhà ở cũng như nền kinh tế.

Theo Báo Nhân Dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều