Phân loại các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài, giám sát chuyên đề để xử lý đến nơi, đến chốn

Chiều 18/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo của Ban Dân nguyện về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy, đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 11 đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, 471 kiến nghị liên quan đến việc đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật; 281 kiến nghị liên quan đến việc tổ chức thực hiện pháp luật và 55 kiến nghị liên quan đến những vấn đề khác.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết nội dung kiến nghị của cử tri tập trung vào các nhóm vấn đề chính như: Quản lý nhà nước về đất đai, môi trường; cải cách tiền lương; chính sách đối với người có công; về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; về miễn giảm thuế cho các tổ chức kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; về an ninh mạng, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng tình hình dịch bệnh để chiếm đoạt tài sản công dân...

Đến nay, trong số 759 kiến nghị đã hết thời hạn giải quyết, trả lời theo quy định, Ban Dân nguyện nhận được văn bản trả lời đối với 753 kiến nghị (đạt 99,2%) còn 6 kiến nghị chưa được trả lời (chiếm 0,8%).  

Kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri đã được đưa lên Phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu để gửi đại biểu Quốc hội thông qua thiết bị di động (App.Quốc hội) nhằm giúp đại biểu Quốc hội tra cứu kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri để phục vụ hoạt động tiếp xúc cử tri và hoạt động giám sát.

Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và xử lý 1.381 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Qua phân loại có 1.110 đơn không đủ điều kiện xử lý gồm: đơn trùng, đơn gửi nhiều lần qua nhiều năm, đơn gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung. Trong số 271 đơn đủ điều kiện, qua nghiên cứu, đã có văn bản chuyển 30 đơn có nội dung cần được xem xét, rà soát lại và đã có văn bản chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; còn 241 đơn chủ yếu là các vụ việc đang trong quá trình xem xét, giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và những vụ việc phức tạp cần được tiếp tục nghiên cứu, thu thập thêm tài liệu.  

Qua xem xét nội dung đơn thư, các khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án; đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ cấp cơ sở có tiêu cực, vi phạm trong công tác quản lý đất đai.

Kiến nghị, phản ánh tập trung nhiều về vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề ở một số địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội được triển khai xây dựng; về chính sách ưu đãi đối với người có công, người hưởng chế độ chất độc hóa học; về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với một số nhóm đối tượng là người lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định của các tỉnh hiện đang mắc kẹt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cần sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cho thấy những vấn đề bức xúc của xã hội. Cần vào cuộc để làm sao công tác này chuyển biến tích cực. Ban Dân nguyện có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức công tác tiếp công dân; tổ chức tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhân dân; chuyển đơn, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết, trả lời công dân.

Vì vậy, hằng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban Dân nguyện báo cáo về nội dung này. Mỗi tháng nêu ra 7-8 vụ việc, giám sát đến nơi đến chốn, quy rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân. Trước mỗi tháng, Ban Dân nguyện thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan gửi báo cáo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặt câu hỏi về 500 vụ việc phức tạp từ các địa phương kéo ra Trung ương ai xử lý, trách nhiệm của Thường vụ Quốc hội như thế nào? Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu nhận đơn thư xong rồi lại chuyển đi thì không có nhiều ý nghĩa. Chính phủ giải quyết nhưng Thường vụ Quốc hội phải giám sát. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân loại các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài xem tiến độ giải quyết như thế nào, kết hợp với hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây để “làm đến nơi, đến chốn”.

“Có nơi làm rất tốt, đa số làm rất tốt, nhưng chỉ cần 1 nơi làm buông lỏng, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm với dân thì mất hết uy tín. Cái sảy nảy cái ung, việc nhỏ không giải quyết thì thành việc lớn, việc lớn không giải quyết kịp thời thì thành đại sự”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý Ban Dân nguyện có thể tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổng hợp báo cáo của các cơ quan thành hệ thống dữ liệu, hằng tháng đều có báo cáo số liệu, nêu những vụ việc nổi cộm, kết quả giải quyết đơn thư và tiến hành giám sát, truy đến cùng trách nhiệm để tạo chuyển biến trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xứng đáng với niềm tin mà cử tri, nhân dân đặt vào Quốc hội, cơ quan dân cử.

Theo Viết Tôn/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều