Phát triển bền vững và thịnh vượng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

(Mặt trận) - Sáng 13/3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

 Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL.

Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 và 3 lần tổ chức hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.  

 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.
Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo thúc đẩy, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp cùng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng ĐBSCL và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ĐBSCL và trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, cũng như sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân trong vùng.

Đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán và sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến sự phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá những việc đã làm được, đặc biệt những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120; thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm mục tiêu vì một đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng, hiện đại, bền vững về môi trường, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình mong rằng, Hội nghị quan trọng này sẽ tiếp tục thúc đẩy hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân vùng ĐBSCL cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế để các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết và Chương trình hành động tổng thể được triển khai hiệu quả, nhằm phát triển bền vững và thịnh vượng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Cách đây hơn 3 năm, cũng tại Cần Thơ, hội nghị đầu tiên về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển ĐBSCL: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thuận thiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, sống chung với mặn, với khô hạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.

Trong ba năm qua, các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đang thấm dần và đã thể hiện trên thực tế bằng những giải pháp phi công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, và đã mang lại nhiều “trái ngọt”.

 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí chủ trì Hội nghị.
Diện tích canh tác ba vụ lúa được cắt giảm. Nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn, nhiều giống lúa chịu mặn được thử nghiệm cho kết quả khích lệ. Nhiều mặt hàng gạo Việt Nam đã được vinh danh quốc tế. Chuỗi một số ngành hàng nông sản ở đồng bằng bắt đầu được xâu kết.

Giữ đúng cam kết về việc hai năm một lần đánh giá toàn diện chính sách cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã chủ trì hai hội nghị quy mô lớn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, cho biết: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, vùng ĐBSCL đã có sự chuyển đổi từ bị động sang chủ động để thích ứng biến đổi khí hậu. Công cuộc chuyển đổi kinh tế được đẩy mạnh theo thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng; từng bước giải quyết xung đột giữa các mô hình kinh tế; tăng cường kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và liên vùng. Theo thống kê sơ bộ, đã có 1.165 dự án với khoảng 280.000 tỷ đồng (tương đương trên 12 tỷ USD) được các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp tác với các địa phương vùng ĐBSCL để thực hiện liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông thực hiện Nghị quyết số 120.

Đến nay, sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.

Tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước. Đặc biệt là đã xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới (gạo ST25) liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới. Hiện có khoảng 335,4 ngàn ha cây ăn quả, chiếm 36,3% diện tích cả nước, gồm các cây trồng chủ yếu như: thanh long, xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa…, nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.

 Hệ thống sông ngòi chằng chịt, thuận tiện cho phát triển giao thông thuỷ trong vùng.
Vùng ĐBSCL cũng đã tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Điển hình là nhà máy điện gió Bạc Liêu 1 và 2 đã hoàn thành, khởi công và triển khai các nhà máy điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Long An...; đưa vào vận hành nhà máy điện bã mía Sóc Trăng 12MW và đang xây dựng nhà máy điện trấu Sóc Trăng 25MW, Nhà máy điện rơm rạ Sóc Trăng 10MW...

(Tiếp tục cập nhật)

Quốc Trung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều