Phát triển Tây Nguyên - kết hợp hài hòa, linh hoạt trên 4 trụ cột

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên diễn ra ngày 1/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt trên 4 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh; phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng.

Phát huy tinh thần tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc

Tây Nguyên là một trong 3 vùng chiến lược về an ninh trật tự, là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Toàn vùng có 53 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với trên 2 triệu người, chiếm trên 37% dân số toàn vùng. Đây là vùng có đông thành phần dân tộc nhất cả nước và cũng là nơi duy nhất có đủ các nhóm ngôn ngữ - dân tộc của Việt Nam cùng sinh sống.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, vùng Tây Nguyên nói riêng. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của hơn 2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường.

Tuy nhiên, ông Hầu A Lềnh chỉ rõ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên còn rất nhiều khó khăn, giảm nghèo thiếu tính bền vững. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, con em đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học giữa chừng gia tăng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số còn hạn chế...

Để tiếp tục phát triển vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, cần tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ khởi nghiệp, tiêu thụ sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào; giao đất, giao rừng; khai thác thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, thực hiện tốt định canh, định cư, sắp xếp ổn định dân cư, bảo đảm đời sống cho người dân, xây dựng khối đại đoàn kết; thực hiện tốt công tác quản lý dân cư, nhân khẩu, giấy khai sinh... để đồng bào có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới theo hướng giảm dần cơ chế “cho không”, tăng chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư cơ sở hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình; phát huy tinh thần tự lực tự cường và quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc.

Ưu tiên phát triển để góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội

Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, Tây Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Toàn vùng có 3,2 triệu ha đất rừng (chiếm 21% cả nước), 1 triệu ha đất đỏ bazan, 1,8 triệu ha đất đỏ vàng; hệ sinh thái đa dạng; khí hậu điều hòa. Vùng có tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời); giàu khoáng sản và là trung tâm sản xuất bauxite. Tây Nguyên cũng là vùng sản xuất cây công nghiệp lớn (cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, điều...); có nhiều loại dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn, trăn trở khi Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế. Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phát cho phát triển. Rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng. Nguồn tài nguyên nước có nguy cơ suy giảm...

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho rằng, dưới áp lực phát triển nhanh, mạnh mẽ đã gây ra nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên. Hệ sinh thái cảnh quan đã có nhiều thay đổi, thể hiện ở tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Gia Lai năm 2002 là 49,1%, đến năm 2021 giảm còn 47%. Tài nguyên nước đang bị khai thác quá mức nên ngày càng có nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng.

Nhấn mạnh vấn đề tăng cường quản lý rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho biết, Gia Lai sẽ phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; bình quân trồng mới 8.000 ha rừng/năm; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng, triển khai các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, xác định cụ thể các diện tích rừng bị suy thoái cần được phục hồi. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích được cấp Chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững đạt 80.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 là 47,75%, đến năm 2030 là 50%; đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo phương thức nông-lâm kết hợp, mô hình vườn-rừng-trang trại, qua đó phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, ông Hồ Văn Niên chia sẻ: Tỉnh sẽ ban hành các quy chế, quy định chặt chẽ đối với những công trình sản xuất công nghiệp và kinh doanh, dịch vụ, du lịch trong việc sử dụng nguồn nước; phát triển kinh tế - xã hội phải đồng bộ với phát triển thủy lợi; tập trung ưu tiên xây dựng các công trình thủy lợi có ảnh hưởng quan trọng đến cấp nước, trữ nước về mùa khô theo lưu vực sông, góp phần đảm bảo phối hợp điều tiết nước liên vùng. Đồng thời, hoàn thiện khung chính sách, quy chuẩn quốc gia về khí thải và chất thải trong ngành năng lượng; quy định về sàng lọc các dự án đầu tư theo rủi ro về môi trường gắn với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Là địa phương có trữ lượng bauxite được đánh giá lớn nhất cả nước, Đắk Nông xác định đây là nền tảng để tỉnh phát triển ngành công nghiệp khai thác bauxite, chế biến albumin luyện nhôm và các sản phẩm sau nhôm. Địa phương cũng được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, Đắk Nông có diện tích đất bazan màu mỡ, phù hợp phát triển nhiều loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn (cà phê, tiêu…) cũng như phát triển kinh tế trang trại, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, hiện nay Đắk Nông vẫn nằm trong nhóm các địa phương khó khăn nhất của cả nước. Tổng thu ngân sách của tỉnh đáp ứng được khoảng 30% tổng chi. Quy mô nền kinh tế nhỏ bé, chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên là chính. Nhiều vấn đề lớn về giáo dục, y tế, ổn định dân di cư không theo quy hoạch, quản lý, bảo vệ rừng… vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với tỉnh.

Trên cơ sở đó, Đắk Nông kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tháo gỡ nút thắt để phát triển, nhất là các tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông, Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ phát triển mạnh công nghiệp khai thác bauxite, chế biến albumin, luyện nhôm; các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô lớn… Đắk Nông cũng kiến nghị Trung ương xem xét một số chính sách đặc thù đối với tình trạng di cư không theo quy hoạch; vấn đề sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp; một số chính sách đặc thù về y tế, giáo dục trong bối cảnh tỉnh có mật độ dân cư thưa thớt, đông đồng bào dân tộc thiểu số…

Nhìn lại 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, vùng Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi tích cực trong bảo đảm an ninh - chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, vướng mắc được chỉ ra tại cùng với việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư... đã đặt ra không ít thách thức đối với vùng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Nếu trước đây, chúng ta xác định Tây Nguyên cần "ổn định để phát triển" thì nay ưu tiên cho phát triển để góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và thúc đẩy đối ngoại; thích ứng linh hoạt với mọi diễn biến của tình hình, nhất là trước các cú sốc, luôn giữ vững bình tĩnh, không hoang mang lo sợ, tranh thủ tối đa thuận lợi, hóa giải các thách thức để phát triển.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều