Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu: Cần quy định rõ vai trò của MTTQ các cấp trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

(Mặt trận) - Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 15/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu đề nghị, trong các hoạt động thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo, Dự án Luật cần quy định rõ vai trò của MTTQ các cấp khi đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân trong quá trình giải quyết các vụ việc để bảo đảm hiệu quả, hạn chế việc giải quyết không thỏa đáng, gây bức xúc trong nhân dân và tiếp diễn tình trạng khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
  Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội nghị
Xác định Luật Đất đai là nền tảng để nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khác

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phạm vi điều chỉnh bao trùm tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Dự thảo Luật có nội dung liên quan đến nhiều luật khác hiện hành, theo Báo cáo số 86 ngày 03/8/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả rà soát Luật Đất đai với các luật có liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, phát hiện 22/112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai. Nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Nhấn mạnh Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương ra đời tạo cơ sở chính trị quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mặt quan điểm, nhận thức; bổ sung nhiều nội dung mang tính đột phá, chưa có tiền lệ, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, dự thảo Luật cần thể chế hóa toàn diện, đồng bộ, đúng mục đích, yêu cầu Nghị quyết số 18 và cần xác định Luật Đất đai là đạo luật nền tảng, những nội dung mới được quy định trong dự thảo Luật sẽ là cơ sở để nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khác cho phù hợp với Luật Đất đai và Nghị quyết số 18.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, liên quan đến nội dung Ban soạn thảo xin ý kiến với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân, UBTƯ MTTQ Việt Nam nhận thấy rằng số vụ việc phức tạp, những điểm nóng về khiếu kiện, tố cáo, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội đều là những vụ việc đất đai mà cụ thể là vấn đề bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Về các dự án thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: Dự thảo Luật quy định các Dự án bao gồm cả dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại (đây cũng là nội dung xin ý kiến Chính phủ theo 2 Phương án). Thực tiễn cho thấy rằng, đa số các dự án loại này, nếu không áp dụng hình thức Nhà nước thu hồi đất thì rất khó triển khai trên thực tế vì thông thường, giá trị đất khi định giá để Nhà nước thu hồi thì sẽ thấp hơn giá trị đất sau khi Nhà đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng, và các công trình phúc lợi theo quy định; tuy nhiên, nếu áp dụng tràn lan, không có tiêu chí cụ thể, bồi thường không thỏa đáng thì sẽ là điểm nóng về khiếu kiện, về tình hình an ninh trật tự và quan trọng hơn là quyền lợi của nhân dân không đảm bảo.

Nhắc tới vấn đề phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân là nhiệm vụ của Nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, nhưng phải xuất phát từ chính nhu cầu của người dân và phải hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, do đó Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ nội dung của Nghị quyết số 18 về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại để thể chế hóa cụ thể, đúng tinh thần của Nghị quyết. Đây là vấn đề liên quan đến quyền con, người, quyền công dân, vì vậy phải quy định rõ các tiêu chí để xác định Dự án là dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn; tránh việc áp dụng không thống nhất trên thực tế, lợi dụng quy định của pháp luật để trục lợi.

“Bản chất vấn đề là sự hài hòa quyền lợi giữa các chủ thể, do đó, riêng đối với việc thu hồi đất để phát triển dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại phải có cơ chế đặc thù để phân phối lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ.

Về cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của nhân dân, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể. Tuy nhiên, nếu chủ thể tham gia cơ chế thỏa thuận này chỉ có người dân và doanh nghiệp, mà không có sự định hướng, hướng dẫn của Nhà nước thì rất khó thực hiện trên thực tế. Bên cạnh đó, nếu để cơ chế xác định giá đất hoàn toàn do sự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, thì có thể sẽ là kẽ hở để các đối tượng thù địch chống phá chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Do đó, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thật kỹ vấn đề này để xây dựng cơ chế khả thi để người dân và doanh nghiệp thỏa thuận trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Về quản lý đất trồng lúa, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích đối với các dự án có sử dụng vào đất trồng lúa theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định. Đây là nội dung đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh việc phân cấp cho HĐND cấp tỉnh, cần phải có chính sách hỗ trợ cho các địa phương, khu vực có diện tích đất trồng lúa lớn, phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực có quốc gia vì thu ngân sách và thu nhập của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn thấp hơn nhiều so với các địa phương có các dự án phát triển kinh tế - xã hội, và người lao động làm việc trong những lĩnh vực khác.

 Quang cảnh Hội nghị
Quy định rõ các lĩnh vực, nội dung, hoạt động quản lý và sử dụng đất thuộc phạm vi giám sát và phản biện của Mặt trận

Đề cập đến nội dung Dự thảo Luật cũng quy định về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trên các phương diện: thực hiện giám sát; thực hiện vận động và thuyết phục người dân; cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất… sau khi Uỷ ban nhân dân cấp xã, Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã… đã vận động thuyết phục; dự thảo Luật quy định khi lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường tái định cư thì phải được lập thành biên bản có xác nhận của… đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã…; phối hợp hòa giải tranh chấp đất đai…

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhận định, từ các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam nêu trên, có thể nhận thấy dự thảo Luật đã đề cập đến vai trò, sự tham gia của MTTQ Việt Nam cấp xã; tuy nhiên chưa thể hiện xứng tầm và đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Với tư cách là một liên minh, chính trị, liên hiệp tự nguyện… có chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, làm nòng cốt trong thực hiện quyền dân chủ của nhân dân và thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội được Hiến pháp năm 2013 quy định.

“Dự thảo Luật cần rà soát kỹ hơn để có các chỉnh lý về vị trí, vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, bảo đảm tương thích, phù hợp với quy định về thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng theo tinh thần của dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu ý kiến.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, quy định về trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc cấp xã trong dự thảo Luật chỉ nêu chung là góp ý, xây dựng, thuyết phục người dân thực hiện, xác nhận biên bản việc tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, tái định cư; phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã hoà giải tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, nội dung, phương pháp thực hiện, các điều kiện bảo đảm, giá trị pháp lý của các hoạt động này chưa được quy định cụ thể để bảo đảm khả thi, thuận lợi khi thực hiện.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị cần xác định rõ hơn sự tham gia, vào cuộc và trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc các cấp (hiện nay dự thảo mới chỉ quy định MTTQ cấp xã, trong khi đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống MTTQ các cấp)… trong giám sát, phản biện, đại diện và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân trong các hoạt động quản lý và sử dụng đất đai, tương xứng với phân cấp nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý.

Về hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận các cấp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị cần bổ sung quy định rõ các lĩnh vực, nội dung, hoạt động quản lý và sử dụng đất thuộc phạm vi giám sát và phản biện của MTTQ. Trong đó, quy định rõ việc MTTQ các cấp giám sát và phản biện xã hội việc lập quy hoạch và kế hoạch; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp mình; giám sát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trên địa bàn của cấp mình; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, huyện trong việc giám sát và thu hồi đất, trưng dụng đất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện; giám sát việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất. Bởi chỉ khi các phương án, biện pháp thu hồi, bồi thường, tái định cư… đã được nhân dân đồng tình, thống nhất thì Mặt trận tổ quốc mới phát huy vai trò vận động, thuyết phục người dân chấp hành, tuân thủ các phương án, biện pháp thu hồi.

Cùng với đó, cần quy định hoạt động giám sát việc quản lý và sử dụng đất liên quan đến các hoạt động đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giám sát và phản biện đối với dự thảo chính sách và thực hiện quản lý tài chính và giá đất đai, quy định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; đồng thời cần bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho công dân giám sát và phản biện xã hội đối với việc quản lý và sử dụng đất đai liên quan đến vấn đề này.

Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, trong các hoạt động thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo, Mặt trận tổ quốc thực hiện giám sát, phản ánh, kiến nghị ý kiến của nhân dân đến các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các vấn đề liên quan tới quản lý và sử dụng đất; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân trong quá trình giải quyết các vụ việc để bảo đảm hiệu quả, hạn chế việc giải quyết không thỏa đáng, gây bức xúc trong nhân dân và tiếp diễn tình trạng khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Hương Diệp - ảnh Quang Vinh

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều