Phòng, chống tham nhũng không để “trên nóng, dưới lạnh”

(Mặt trận) - Ngày 30/11, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực và đoàn công tác đã làm việc về giám sát việc công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn thị xã Kiến Tường và huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cùng dự buổi làm việc có ông Võ Văn Thiện - Trưởng Ban Công tác phía Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Mai Ngọc Sơn và ông Nguyễn Đăng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam - Ban Nội chính Trung ương.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo thị xã Kiến Tường.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường cho biết, năm 2016, các dự án được phê duyệt và triển khai ở địa phương có 173 công trình, với tổng vốn đầu tư 214,49 tỷ đồng; năm 2017 có 169 công trình, với số vốn đầu tư là gần 196 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2018 có 171 công trình, với số vốn đầu tư trên 225 tỷ đồng. Nhìn chung, các công trình đảm bảo tiến độ thi công theo hợp đồng, một số công trình chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan như vướng mắc mặt bằng, thời tiết (bờ kè Mộc Hóa, nạo vét kênh Cửa Đông 3, san sửa làm đường GTNT, HTKT khu sân bay, đường D6…) nhưng đơn vị thi công đều kịp thời xin gia hạn thời gian đảm bảo theo quy định.

Ông Nguyễn Vẵn Vũ - Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường báo cáo với đoàn công tác.

Theo ông Phạm Tấn Hòa, Bí thư thị xã Kiến Tường, tất cả các dự án trên địa bàn đều được triển khai công khai, thường xuyên thực hiện công tác kiểm toán. Qua kiểm toán, cơ quan chức năng giám sát được quá trình thực hiện nên khó xảy ra sai phạm, tham nhũng. Cũng theo ông Hòa, các dự án đều thực hiện đấu thầu trọn gói nên hầu như các công trình không đội vốn do kéo dài. Về chương trình xây dựng nông thôn mới và hoạt động hiến đất, đóng góp của nhân dân theo từng khả năng của các hộ dân cũng được công bố công khai. Đối với việc tiếp dân, khiếu nại, tố cáo của dân đều được quan tâm giải quyết tới nơi, tới chốn.

Quang cảnh buổi làm việc tại huyện Cần Đước.

Báo cáo với đoàn tại huyện Cần Đước, ông Huỳnh Văn Công Hùng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, hàng năm, UBND huyện đều ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng để triển khai thực hiện trên địa bàn huyện, qua đó đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chú trọng công khai, minh bạch trong đầu tư xây dựng cơ bản. Thanh tra huyện tổ chức thanh tra đối với các dự án đã hoàn thành để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong công tác đấu thầu, xây dựng cơ quan. Qua thanh tra, chưa phát hiện công trình nào sai phạm.

Trong khi đó, việc giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các xã, thị trấn được phát huy, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài việc giám sát chung, việc giám sát các dự án kinh tế, xã hội ở địa phương được MTTQ quan tâm giám sát từ khi HĐND cùng cấp có nghị quyết về phân bổ các công trình, dự án kinh tế, xã hội hàng năm trên địa bàn; tham gia giám sát thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Kết quả, gần 3 năm thực hiện đã thanh tra được 202 cuộc, kiến nghị 64 vụ, giải quyết 53 vụ; Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã giám sát được 296 cuộc, kiến nghị 68 vụ, đã giải quyết được 68 vụ. Từ đó giúp chính quyền và các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn các vụ việc vi phạm quy định của nhà thầu, chủ đầu tư, đơn vị thi công, góp phần lớn trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình phục vụ tốt cho nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Cần Đước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá, cả hai địa phương có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, công tác công khai, minh bạch được thực hiện tốt. Công tác thanh tra, giám sát đầu tư cộng đồng đạt được những hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, một số nội dung, chất lượng phòng, chống tham nhũng vẫn còn hình thức; có kiểm tra, giám sát nhưng việc phát hiện, đề xuất xử lý sai phạm chưa nhiều…

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhận định, nguy cơ dễ xảy ra tham nhũng như các dự án, công tác cán bộ, đất đai... là rất cao. “Nếu vẫn còn cơ chế xin - cho thì tiêu cực, tham nhũng sẽ còn xảy ra. Do vậy, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, lâu dài mới đạt được hiệu quả cao nhất. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho người dân tham gia. Cần phải làm đồng bộ, không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; phải công khai minh bạch đối với các dự án. Ý kiến, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân nên được giải quyết kịp thời, làm cho dân tin thì tình hình sẽ ổn định. Song song đó, cần nhìn thấy ưu điểm, hạn chế của mình để điều chỉnh thực hiện cho phù hợp, hiệu quả.” - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính để hạn chế tham nhũng và phục vụ người dân tốt hơn; thực hiện hiệu quả kênh lắng nghe phản ánh để phát hiện sai phạm. Về việc giám sát đầu tư cộng đồng và thanh tra nhân dân đối với các dự án, cần tìm được người có uy tín, có trình độ chuyên môn tốt để tăng hiệu quả.

Quốc Định

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều