Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, vừa ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
 Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Mường Chà (Điện Biên) hướng dẫn người dân kê khai đăng ký ứng dụng VssID. Ảnh minh họa: Xuân Tư/TTXVN
Theo đó, Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập thể thảo luận, Trưởng ban kết luận và chỉ đạo thực hiện; thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo trong triển khai hoạt động chung và thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, xây dựng và đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Một nhiệm vụ nữa là phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu các chính sách kinh tế - xã hội có liên quan đến chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; giải pháp tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đề xuất các biện pháp để xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Phạm vi chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và các chính sách kinh tế - xã hội liên quan nêu trên, bao gồm:

+ Về chính sách tiền lương: mức lương cơ sở, quan hệ mức lương thấp nhất - trung bình - tối đa và tương quan tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức các ngành nghề, lực lượng vũ trang; các thang lương, bảng lương; ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, chức vụ, chức danh lãnh đạo tương đương, bậc lương; nâng bậc lương; chế độ trả lương và các chế độ phụ cấp đối với người hưởng lương thuộc khu vực nhà nước (từ Trung ương đến cấp xã). Ngoài ra, tiền lương đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động.

+ Về chính sách bảo hiểm xã hội, gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung.

+ Về chính sách ưu đãi người có công, gồm: chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng và chế độ trợ cấp một lần đối với người có công với cách mạng, các chính sách ưu đãi khác đối với người có công

+ Giải pháp tạo nguồn để thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều