Quyết định nhiều vấn đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô

Hà Nội tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên.
 

Quang cảnh kỳ họp thứ 14 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 15/5, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV tổ chức Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp không thường kỳ) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chủ trì kỳ họp.

Tham dự kỳ họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Lan Hương, cùng đại diện các cơ quan Trung ương và sở, ngành, quận, huyện của thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thời gian vừa qua, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tổn thất lớn về sinh mạng con người và gây khủng hoảng kinh tế nặng nề trên toàn thế giới.

 

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong bối cảnh đó, Thủ đô Hà Nội cùng các địa phương trong cả nước đã triển khai nghiêm túc các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ; tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt là thành phố đã kiểm soát tốt được dịch bệnh.

Có được kết quả đó là do sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy Hà Nội, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và sự chấp hành nghiêm túc của người dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục tinh thần thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép,” vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, Hội đồng Nhân dân sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng ngân sách thành phố; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020.

Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, đây là những dự án có tổng mức đầu tư lớn, mang tính chất quan trọng để xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, phát triển giáo dục, đào tạo, có tác động lớn đến thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh.

Do vậy, các nội dung quyết nghị về chủ trương đầu tư, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn lần này đều được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi.

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao của cử tri Thanh Xuân về sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hiệu quả của lãnh đạo thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, chung sức đồng lòng của các lực lượng, người dân... đã tạo nên thắng lợi bước đầu chống dịch COVID-19.

Điều này đã khiến Việt Nam đang trở thành hình mẫu trên thế giới trong cuộc chiến phòng chống COVID-19.

Nêu quan điểm về vấn đề sau dịch COVID-19 đặt ra rất nhiều vấn đề trong quản lý, điều hành, cũng như an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị thành phố nghiên cứu, thông qua nghị quyết về kinh tế-xã hội đối với các vấn đề nảy sinh sau dịch.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội với 100% đại biểu có mặt tán thành gồm phụ cấp thêm 4 nhóm đối tượng tham gia chống dịch COVID-19; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho sinh viên, công nhân; hỗ trợ kinh phí cho giáo viên dạy học trên truyền hình; hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp; tạo cơ chế đặc thù hỗ trợ đơn vị sự nghiệp công lập.

Tổng kinh phí để thực hiện 5 chế độ chi đặc thù nêu trên dự khiến khoảng 406 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp thành phố là 351 tỷ đồng, ngân sách các quận là 55 tỷ đồng.

Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng, với các biện pháp điều hành ngân sách địa phương và thành phố đang triển khai (bao gồm các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, các biện pháp cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết) đủ đảm bảo kinh phí để thực hiện các chế độ chi mới này như Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất.

Cũng tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng ngân sách thành phố, cũng như việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020 với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Cụ thể, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án nhóm C sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 34 tỷ 639 triệu đồng gồm Cầu vượt cho người đi bộ qua đường 2,5 tại khu vực chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai; Cầu vượt cho người đi bộ qua đường Liễu Giai, quận Ba Đình; Cầu vượt cho người đi bộ trước tòa nhà HH1A, HUD3, CT5-X2 trong khu đô thị Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai; Cầu vượt cho người di bộ qua đường Nguyền Hoàng, quận Nam Từ Liêm; Cầu vượt cho người đi bộ qua đường Ngọc Hồi tại khu vực bến xe Nước Ngầm, quận Hoàng Mai; Cầu vượt cho người đi bộ qua đường Đào Tấn, quận Ba Đình.

Toàn bộ 6 dự án này đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện trong giao đoạn năm 2021-2022.

Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quyết nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 713 tỷ 272 triệu đồng gồm Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư xã Hồng Kỳ phục vụ di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; Dự án Sửa chữa, bảo trì, lắp đặt bổ sung, thay thế linh kiện, thiết bị và phương tiện hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được trang bị, lắp đặt theo thiết kế ban đầu tại các chung cư tái định cư (Khu Xuân La, Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô, Phú Thượng, Mễ Trì Hạ, Lê Đức Thọ, Cầu Diễn và khu thành phố Giao lưu); Dự án xây dựng tuyến đường từ Trung tâm thể thao quân đội Bộ Quốc phòng đến Khu Bảo tàng Quân sự Việt Nam (bao gồm cả cầu qua sông Nhuệ); Dự án Xây dựng tuyến đường từ trạm bơm cầu Ngà qua đường 70 đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm.

Theo Văn Cảnh-Nguyễn Thắng (TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều