Tăng cường giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer trong thời kỳ hội nhập

(Mặt trận) - Tối ngày 6/11, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2022.

Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên quần chúng của 12 tỉnh, thành và đông đảo người dân đến tham gia Ngày hội.

 Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Lễ khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 là sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, qua sự thể hiện của hơn 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng tham gia thi diễn, giao lưu trong những ngày hội, chúng ta hy vọng và tin tưởng người dân và du khách thập phương sẽ được cảm nhận và trải nghiệm những giai điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian Răm vông, Saravan, múa trống Sadăm, nghệ thuật sân khấu Rô Băm và Dù Kê say đắm lòng người; cùng thưởng thức âm thanh riêng có của nhạc cụ ngũ âm - được mệnh danh là biểu tượng của không gian văn hóa, là tiếng lòng của người dân Khmer Nam Bộ với thần linh, với thiên nhiên và con người.

Trong khuôn khổ Ngày hội, nhiều hoạt động đa dạng, phong phú sẽ được diễn ra có sự tham gia của các đoàn thuộc 12 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, với các hoạt động văn hóa, thể thao, trưng bày, quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu, quảng bá du lịch Sóc Trăng...

Đặc biệt, Ngày hội có sự lồng ghép hoạt động của Lễ hội Oóc om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 với các hoạt động như giải đua ghe Ngo, phục dựng lễ Cúng Trăng, trình diễn Lôi Protip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu, triển lãm lưu động ảnh, tư liệu tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo ở cơ sở năm 2022.

Ngày hội tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa, để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào Khmer Nam Bộ hội tụ, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại lễ khai mạc, ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu nhấn mạnh đây là dịp để Sóc Trăng quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước. Sóc Trăng đã công bố logo du lịch của tỉnh, thay cho lời mời gọi du khách gần xa về với vùng đất nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về du lịch. Tỉnh Sóc Trăng tin tưởng và kỳ vọng Ngày hội và Lễ hội lần này sẽ để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách gần xa. Đồng thời cũng mong đợi các doanh nghiệp trong và ngoài nước có dịp tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tăng cường hợp tác, cùng phát triển trong tương lai.

Đại biểu tham dự Lễ khai mạc  
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi tới dự Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ lần thứ 8 (VIII) và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5 (V) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần tạo nên sự  phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

“Ngày 24/11/2021, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại Hội nghị này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất tâm huyết, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa: văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn. Từ đó đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhóm giải pháp chủ yếu chấn hưng văn hóa, để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin

Với tinh thần đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer lần thứ 8 (VIII) và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5 (V).

Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, của đồng bào các dân tộc trong khu vực nói chung; là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình và đua ghe Ngo truyền thống. Những âm thanh rộn ràng của dàn nhạc ngũ âm, những điệu múa Lăm vông, Saravan, Apsara nhẹ nhàng, uyển chuyển, sâu lắng; hay nghệ thuật độc đáo Rô-băm, sân khấu Dù Kê; hay tiếng hò reo vang vọng của hàng ngàn người cổ vũ cho các đội đua ghe Ngo, tạo nên một không khí huyên náo và hoạt động văn hóa cộng đồng hiếm có.

“Tình đất, tình người nơi đây như mời gọi du khách muôn phương về với vùng đất miền Tây sông nước để đầu tư, chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên và để khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và của đồng bào các dân tộc anh em nói chung. Từ những hoạt động ý nghĩa của các ngày lễ hội và văn hóa sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.


 Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc  
Trong không khí hân hoan của Ngày hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trong quá trình tổ chức Ngày hội văn hóa và lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo phải gắn liền với việc quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; giải pháp chủ yếu trong bài phát biểu rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm đậm tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Cùng với đó cần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được.

“Tôi mong muốn đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm: người đi trước truyền lại cho người đi sau; Ông, Bà, Cha Mẹ truyền dạy cho con cháu; Cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét đẹp văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của đồng bào, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân và cả xã hội bằng các việc làm thiết thực, khuyến khích, hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc đa dạng, phong phú, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

“Cần phát huy tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của người dân. Như vậy mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền và thật sự coi phát triển văn hóa ngang bằng với phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác.”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị.

Tại Lễ khai mạc, qua sóng truyền hình trực tiếp của VTV Tây Nam bộ và Đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh tham gia Ngày hội, các đại biểu, quần chúng nhân dân thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer đến từ các tỉnh, thành Nam bộ cùng tụ họp về Sóc Trăng; tạo nên một khí thế phấn khởi, làm nổi bật chủ đề: “Bảo tồn, phát huy bản sắc bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam bộ; Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia của đồng bào Khmer Nam bộ với các dân tộc anh em trong quá trình khai phá, xây dựng vùng đất “chín rồng”; những nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ…

Hương Diệp - ảnh TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều