Tạo môi trường để trí thức trẻ Việt Nam đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước

Ngày 21/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ III, năm 2020 với chủ đề “Việt Nam 2045”.
Toàn cảnh diễn đàn.  
Năm nay, có 206 đại biểu chính thức tham dự diễn đàn, là trí thức trẻ có quốc tịch Việt Nam với độ tuổi dưới 35; đang sinh sống, học tập, làm việc trong và ngoài nước; có hoạt động nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu hoặc hướng nghiên cứu khả thi hoặc đang đảm nhận các vị trí công việc liên quan đến các nhóm nội dung của diễn đàn. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên số lượng đại biểu dự diễn đàn năm nay ít hơn so với năm trước; các đại biểu ở nước ngoài cũng không thể về Việt Nam trực tiếp tham dự diễn đàn mà phải trao đổi thông qua các ứng dụng trực tuyến. Đại biểu tham dự diễn đàn năm nay lại có sự vượt trội về chất lượng. Theo đó, 100% đại biểu đều là tiến sĩ, nghiên cứu sinh, thạc sĩ; số lượng đại biểu là tiến sĩ, nghiên cứu sinh chiếm 33,5% (so với năm ngoái là 21%); thạc sĩ chiếm 66,5% (so với năm ngoái là 48%).
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn.  

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm nay tiếp tục hướng đến mục tiêu củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; tạo môi trường để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong, ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò cũng như khả năng đóng góp cho công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực, toàn cầu. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách phát huy trí thức trẻ Việt Nam chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng sẽ đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước đưa Việt Nam đạt những mục tiêu phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội vào năm 2045 - cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các sáng kiến, giải pháp xoay quanh nhiều chủ đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ trong phục vụ phát triển đất nước; vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước... Nhiều ý kiến tâm huyết, xác thực đã được các đại biểu đóng góp tại diễn đàn với mong muốn tham vấn cho Đảng, Nhà nước về các vấn đề cần thiết trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; đồng thời, tạo cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích thanh niên tham gia đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Anh Trần Ngô Đức Thọ, nghiên cứu sinh ngành Quy hoạch và phát triển đô thị, trường Đại học Texas A&M (Hoa Kỳ) phát biểu tại diễn đàn. 
Trong nội dung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, anh Trần Ngô Đức Thọ, sinh năm 1985, hiện đang là nghiên cứu sinh ngành Quy hoạch và phát triển đô thị, Trường Đại học Texas A&M (Hoa Kỳ) cho biết, đối với mỗi quốc gia thì tăng tưởng kinh tế luôn phải đi liền với sự ổn định xã hội. Theo đó, yêu cầu đặt ra là: Tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả cần phải gắn với việc nâng cao trình độ phát triển con người, bao gồm cả cơ hội và năng lực phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam dù vẫn có tác động ích cực đến phát triển con người, nhưng hiệu ứng tác động tích cực đang có xu hướng giảm dần vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Để giải quyết vấn đề trên và hướng thành quả tăng trưởng kinh tế vào phát triển con người một cách hiệu quả nhất, anh Đoàn Quang Huy đề xuất Chính phủ cần cải thiện các động lực tăng trưởng, một mặt tạo đà để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn, mặt khác có sự điều chỉnh tích cực để kết quả tăng trưởng có tác động mạnh hơn đến cải thiện trình độ phát triển con người. Cùng với đó là thực hiện các chính sách tăng trưởng hài hoà, giúp các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc tăng trưởng kinh tế để hưởng lợi trực tiếp từ thành quả tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện kịp thời việc phân phối lại thành quả tăng trưởng giữa người dân, giữa các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là mức tăng thu nhập bình quân đầu người. Bên cạnh đó, thành quả tăng trưởng cần được quan tâm sử dụng nhiều hơn cho việc cải thiện năng lực trí lực và thể lực cho thế hệ trẻ của đất nước thông qua các chính sách cải thiện, phát triển giáo dục và y tế.

Về phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, chị Lê Thu Trang, sinh năm 1990, nghiên cứu sinh Đại học Texas A&M cho rằng, nên đề cao vai trò giáo dục, cảm hóa của văn học nghệ thuật, trong việc hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Theo đó, các bộ, ngành làm công tác văn hoá cần phổ cập rộng rãi các tác phẩm văn hoá trong nước; đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghệ thuật truyền thống nhằm làm cho văn hoá Việt Nam thấm sâu vào tâm hồn, tình cảm mỗi người dân, tạo bản lĩnh văn hoá và sức đề kháng để chủ động hội nhập một cách có chọn lọc. 

Bên cạnh đó, ngành văn hoá cần chú ý phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ, đặc biệt là những văn nghệ sĩ có lượng khán giả hâm mộ cao, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng; nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục đạo đức, thúc đẩy con người hình thành và tự hoàn thiện nhân cách. Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong cuộc đấu tranh chống suy thoái đạo đức, lối sống; phê phán các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội; biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; hạn chế những bất lợi của truyền thông, thế giới ảo tác động đến thế hệ trẻ.

 Thạc sỹ Phạm Hoàng Cẩm Hương, Đại học Kinh tế - Đại học Huế phát biểu tại diễn đàn. 
Về vai trò của thanh niên và trí thức trẻ trong tham gia phát triển đất nước, Thạc sỹ Phạm Hoàng Cẩm Hương, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế nhận định, cùng với đất nước, lực lượng trí thức trẻ Việt Nam cũng nhanh chóng lớn mạnh. Không ít trí thức trẻ Việt Nam đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu thế giới. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thanh niên Việt Nam cần có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, sức khoẻ thể chất nhằm đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Việc này đòi hỏi bản thân mỗi thanh niên phải tự học, tự rèn luyện, tu dưỡng để trở thành nguồn lao động chất lượng cao, trở thành người thừa kế trung thành sự nghiệp của Đảng và dân tộc.

Để thanh niên thực sự làm chủ được vận mệnh quốc gia, dân tộc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tiếp tục xây dựng lực lượng trí thức trẻ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, lực lượng xung kích phát huy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, phát huy tài năng, sức trẻ của thanh niên. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên luôn đồng hành cùng thanh niên, xây dựng lớp thanh niên Việt Nam thời kỳ mới có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức, lối sống văn hoá, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật; có tri thức, sức khoẻ, hoài bão, khát vọng vươn lên; xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Ban Tổ chức cho biết, tất cả các đề xuất, khuyến nghị mà các đại biểu đã đóng góp sẽ được tổng hợp và chuyển tới với các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ để tiếng nói của trí thức trẻ Việt Nam được lắng nghe, hoàn thiện và phát triển. Ban Tổ chức mong muốn thông qua diễn đàn, các trí thức trẻ của đất nước tiếp tục cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ và truyền cảm hứng đến các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam khác, tạo thành một lực lượng nhân lực chất lượng, cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước.

Theo Hồng Giang (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều