Thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật

Thu hồi tài sản tham nhũng tại các vụ án luôn là vấn đề khó, phức tạp trong hoạt động thi hành án, nhất là các vụ án có số tiền phải thu hồi lớn, các vụ án mà bị can, bị cáo đã bỏ trốn hoặc đang phải chấp hành hình phạt ở mức cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc thu hồi tài sản tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của pháp luật cũng như thu hồi về cho Nhà nước số tiền bị thất thoát.
Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc với Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh về giải quyết, thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. (Ảnh CẨM TÚ)

Trong giai đoạn những năm 2013 trở về trước, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng luôn được đánh giá ở mức rất thấp, với trung bình đạt khoảng 10% tổng số phải thu hồi.

Nhưng đến nay, kết quả này đã không ngừng được nâng cao, đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với trước đây, kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể, kết quả bình quân giai đoạn 2013-2020 đạt hơn 32%. Riêng kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo trong năm 2020 thì tài sản thu hồi được chiếm 61% tổng số tài sản đã thu hồi được trước đây.

Theo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), từ đầu năm 2023 đến nay, dù số việc thụ lý mới tăng khoảng 58.000, tương đương hơn 84.700 tỷ đồng (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022) và số thụ lý mới án tham nhũng, kinh tế tăng 324 việc (tăng gần 14.400 tỷ đồng - tăng 190% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng kết quả thi hành án lại rất khả quan.

Cụ thể đã thi hành xong số tiền hơn 45.000 tỷ đồng (tăng hơn 19.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022); án tham nhũng kinh tế đã thi hành xong 651 việc với số tiền hơn 17.383 tỷ đồng (tăng gần 11.900 tỷ đồng so với cùng kỳ). Thí dụ, vụ án “Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản...” xảy ra tại Phòng giao dịch Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh có tổng số tiền phải thi hành là hơn 15.141 tỷ đồng, đến nay đã thi hành xong hơn 409 tỷ đồng.

Số tiền còn phải thi hành lên tới hơn 14.732 tỷ đồng. Tài sản còn lại trong vụ án này đang xử lý, đã định giá khoảng 200 tỷ đồng. Số tiền còn lại không có điều kiện thi hành án. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến hành vi của bà Hứa Thị Phấn.

Tổng số tiền, giá trị tài sản phải thi hành lên tới 42.759 tỷ đồng; đã thi hành xong hơn 28.114 tỷ đồng, còn phải thi hành hơn 14.644 tỷ đồng.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân, nhất là sự vào cuộc tích cực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số luật trong đó có Luật Thi hành án dân sự (bổ sung Điều 55, 56, 57 quy định về ủy thác xử lý tài sản) đã góp phần khắc phục những bất cập trong cơ chế ủy thác hiện hành, đẩy nhanh tiến độ thi hành án, xử lý tài sản. Bên cạnh đó, các cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra đã quan tâm hơn đến công tác thu hồi, kê biên, ngăn chặn tẩu tán tài sản kịp thời.

Các bản án, quyết định của tòa án được thi hành kịp thời, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức và người dân về công tác thi hành án nói chung, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng đã có những chuyển biến rõ rệt.

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), từ nay đến cuối năm 2023, số vụ việc và số tiền phải thu hồi vẫn có chiều hướng gia tăng, trong khi đó còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến công tác này như thị trường bất động sản trầm lắng. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về các tội danh tham nhũng có những điểm, khoản, điều quy định chưa thật sự rõ ràng gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc định tội danh, chứng minh hành vi phạm tội và xác định thiệt hại do tội phạm gây ra.

Thí dụ, Khoản 1, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ có nêu: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm...” nhưng lại không giải thích cụ thể hành vi “gây thiệt hại khác...” ở đây là gì.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra sát sao đối với từng vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tranh thủ kịp thời và tối đa sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là sự vào cuộc chỉ đạo của ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế. Tổng cục

Thi hành án dân sự cũng sẽ tham mưu cho Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy - Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh quan tâm, phối hợp chỉ đạo công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Bên cạnh đó, sẽ tích cực phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản, bảo đảm sớm thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.

Hiện, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục riêng về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Có thể là xây dựng một luật riêng hoặc đưa ra một chế định riêng trong Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung.

Theo các chuyên gia về pháp luật, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ban hành cơ chế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ “điểm nghẽn, nút thắt” trong các giai đoạn giải quyết, thu hồi tài sản của các cơ quan; hoàn thiện quy định về phòng, chống tham nhũng trong thu hồi tài sản; xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản; tạm thời kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong một thời hạn cụ thể trước khi áp dụng các quy định tại Điều 128, Điều 129 Bộ luật Hình sự hiện hành; bổ sung quy định về cơ chế động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra để xây dựng hành lang pháp lý thống nhất có tính khả thi.

Các quy định về hạn chế hình thức sử dụng tiền mặt và tăng cường các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cần được thực hiện triệt để quyết liệt trong các lĩnh vực; phối hợp các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và các tổ chức quốc tế để xác minh, truy tìm tài sản, thực hiện việc tương trợ tư pháp về hình sự đối với tài sản, tài khoản người phạm tội tẩu tán ra nước ngoài.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều