Thủ tướng: Kiểm soát thật tốt dịch bệnh để thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội

Sáng 10/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia với Ban Chỉ đạo 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống dịch.
  Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Dự họp tại các điểm cầu ở các địa phương có Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau khi kiện toàn đây là Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo. Việc tổ chức họp Ban Chỉ đạo tùy vào tình hình dịch.

Sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, dịch COVID-19 đang được kiểm soát trên toàn quốc; kinh tế-xã hội đang từng bước phục hồi, phát triển. Tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình dịch có chiều hướng diễn biến phức tạp, với số ca mắc có xu hướng tăng, nhất là ca mắc ngoài cộng đồng; trong khi nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập, lây lan cao...

Cuộc họp này, Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương tập trung thảo luận, phân tích tình hình, bàn giải pháp kiểm soát thật tốt dịch bệnh để tiếp tục mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội; trong đó quan tâm nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch nhằm bảo vệ cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Dịch bệnh có xu hướng tăng, một phần do lơ là, chủ quan

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết, đến ngày 10/12, Thế giới ghi nhận trên 268 triệu ca mắc COVID-19, trên 5,3 triệu trường hợp tử vong. Trong tuần đã ghi nhận trên 4,3 triệu ca mắc mới, gần 50.000 trường hợp tử vong. So với tuần trước, số mắc tăng 8%, tử vong tăng 1%. 

 Điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố tham dự cuộc họp với Ban Chỉ đạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại Việt Nam, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 9/12, cả nước đã ghi nhận trên 1,3 triệu ca mắc, hơn 1 triệu người đã khỏi bệnh (77%). Trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm hơn 100 ngàn ca mắc mới (57.538 ca cộng đồng, chiếm 57% số mắc mới). Trong đó, khu vực miền Nam ghi nhận 73,3% ca mắc mới trong cộng đồng. Một số địa phương có số mắc cộng đồng tăng cao so với tuần trước như: Bến Tre, Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bình Định, Hải Phòng, Gia Lai…

So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng tăng 10%, số ca khỏi bệnh tăng 66,5%, số ca nặng, nguy kịch tăng 16,2%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 203%, số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%.

Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Dịch bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương tập trung thảo luận về tình hình, nguyên nhân của diễn biến dịch COVID-19 thời gian vừa qua; hiệu quả sau 2 tháng thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP; tầm quan trọng của vaccine và tình hình phân bổ vaccine, tiến độ tiêm vaccine, giải pháp thúc đẩy tiêm vaccine; nhu cầu, khả năng đáp ứng thuốc điều trị COVID-19; ý thức phòng, chống dịch của người dân; tình hình mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh...

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khẳng định, sau 2 tháng thực hiện nghị quyết 128/NQ-CP tình hình kinh tế-xã hội đang phục hồi mạnh mẽ; cho rằng, tình hình dịch có xu hướng diễn biến phức tạp những ngày qua, ngoài các nguyên nhân khách quan, có một phần do có một bộ phận còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine chưa phủ kín, mặc dù không thiếu vaccine; năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu...

Do đó, trong thời gian tới cần nhanh chóng phủ vaccine; nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; chuẩn bị cung ứng oxy, thuốc điều trị; nghiên cứu mở rộng hình thức hình thức tiêm vaccine và cung cấp thuốc điều trị để người dân dễ dàng tiếp cận... Đặc biệt cần tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình, diễn biến dịch bệnh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kiểm soát tốt dịch bệnh để tiếp tục mở cửa

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NC-CP, chúng ta đã hoàn thiện biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột chính (cách ly, xét nghiệm, điều trị) và công thức "5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác"; tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tình hình kinh tế-xã hội đang được phục hồi trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chỉ đạo các cấp và sự hưởng ứng của nhân dân, hỗ trợ của doanh nghiệp trong phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả trên chứng minh Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành kịp thời, đúng hướng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Nguyên nhân do có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả bước đầu và có quan niệm sai khi cho rằng đã tiêm vaccine thì không bị lây nhiễm dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, việc số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng, tử vong đa số do chưa được tiêm vaccine và có bệnh nền, trong khi y tế cơ sở, y tế dự phòng còn yếu; tiến độ tiêm vaccine vẫn chưa đạt mong muốn; chính quyền tại nơi dịch diễn biến xấu chưa có biện pháp tốt quản lý rủi ro.

 Đại diện các cơ quan báo chí tham dự cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, trong thời gian tới diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp; hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; an sinh, xã hội còn tiềm ẩn; thị trường lao động vẫn còn khó khăn, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn còn xảy ra, nhất là tại các khu công nghiệp... Đặc biệt, chủng virus Omicron đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia và có thể xuất hiện thêm các biến chủng mới...

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải kiểm soát chặt chẽ dịch , giảm tối đa ca mắc, ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19; phấn đấu đến ngày 15/12, chậm nhất đến hết tháng 12/2021 hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; khẩn trương tiêm vaccine mũi 3 cho tất cả các đối tượng cần thiết như lực lượng tuyến đầu chống dịch và người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh nền; phấn đấu đến 31/1/2022 tiêm đủ 2 mũi vaccine cho trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.

Đối với việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, Thủ tướng giao bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương trình, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền và tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các nước để triển khai.

Về biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, song không hốt hoảng, mất bình tĩnh; kiên định quan điểm người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; tiếp tục hoàn thiện các nội dung theo Nghị quyết 128/NQ-CP phù hợp với tình hình, sát thực tế theo từng giai đoạn và diễn biến của dịch.

"Kiên trì, thực hiện nhất quán, tổng thể, liên thông trên toàn quốc Nghị quyết 128/NQ-CP; không địa phương nào được ban hành các quy định trái với Trung ương. Trong trường hợp có vướng mắc, không phù hợp thì báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia và Chính phủ để xem xét", Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các ngành, địa phương kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dựa trên 3 trụ cột và công thức đã được xác định; hướng dẫn người dân tự xét nghiệm; thần tốc hơn nữa trong việc thực hiện chiến dịch tiêm vaccine đảm bảo khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả; khắc phục bằng được các sự cố liên quan đến vaccine trong thời gian vừa qua. "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiêm vét vaccine. Người nào không chịu tiêm vaccine, khi bị mắc COVID-19 phải tự chi trả chi phí chữa bệnh", Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu không để thiếu vaccine và thuốc điều trị. Ngoài tính toán nhập khẩu, phải đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước, đảm bảo an toàn, hợp lý, hiệu quả, trên tin thần tinh mạng của người dân là trên hết, trước hết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu về vaccine, thuốc điều trị và nhân lực tiêm vaccine, nếu thiếu thì báo cáo Chính phủ ngay để có phương án phân bổ, điều chuyển, hỗ trợ; cân đối nguồn lực để tăng cường cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; rà soát và thực hiện an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết 86/NQ-CP, dứt khoát không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; khôi phục thị trường lao động. Các địa phương đề xuất chế độ, chính sách đối với lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; xây dựng lộ trình mở lại các đường bay quốc tế đảm bảo an toàn; chủ động tuyên truyền để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm; tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch. Lãnh đạo các địa phương phải gặp gỡ, đối thoại cùng doanh nghiệp, người lao động để có các giải pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì, phát triển sản xuất…

Với các đề xuất của các địa phương, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan tổng hợp, hướng dẫn, giải quyết; vấn đề nào vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng xem xét, trên tinh thần chung là tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh tiêu cực, lãng phí.

Theo Phạm Tiếp (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều