Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân tại Đồng Nai: Bắt đầu từ bữa ăn, giấc ngủ

Đây là những trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi thăm và kiểm tra việc thực hiện chính sách cho công nhân tại tỉnh Đồng Nai vào chiều nay (28/10)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại thú vị, cởi mở với khoảng 300 công nhân tại Công ty Taekwang Vina Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và lắng nghe lãnh đạo tỉnh Đồng Nai báo cáo về việc thực hiện chính sách cho người lao động.

Trước đó, Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành tới thăm Trường mầm non Thái Quang và Phòng khám đa khoa Tâm An 2, nơi khám chữa bệnh cho công nhân. Cả hai nơi trên đều của Công ty Taekwang Vina Hàn Quốc.

Lắng nghe công nhân

Trước khi bắt đầu trò chuyện với công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể: "Mười tám tháng trước, tôi đã có một buổi trò chuyện với hơn 3.000 công nhân tại khu vực vùng kinh tế Đông Nam bộ bởi tôi muốn xây dựng một thiết chế cho công nhân. Anh em, các cháu cứ nói, cứ đặt vấn đề hàng ngày, như: Chỗ ở có an ninh không? Tiền lương có đảm bảo? Bữa cơm có ngon không? Cái gì lo lắng nhất? Có ước mơ gì hơn không?”...

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông muốn lắng nghe tiếng nói thực sự từ công nhân - ảnh Quang Hiếu/VGP

Thủ tướng cũng gợi ý công nhân hãy đánh giá chính quyền, công đoàn có quan tâm thật sự đến đời sống công nhân hay hay chỉ là hình thức. Đặc biệt ông cũng lưu ý câu chuyện bữa ăn hằng ngày của người công nhân.

Lần lượt hơn mười người có ý kiến, đấy là những trăn trở về đời sống vật chất cũng như tinh thần của giới công nhân.

Nữ công nhân Võ Thị Mỹ Tiên (Công ty Taekwang Vina Hàn Quốc) bày tỏ với Thủ tướng: Hiện rất thiếu các khu vui chơi giải trí cho công nhân sau giờ làm. Hình thức giải trí của hầu hết giới công nhân là về phòng trọ xem TV hoặc lên internet. Công đoàn thỉnh thoảng có tổ chức nhưng vài ba tháng mới được một lần.

Ở góc độ thu nhập, nữ công nhân Phan Thị Mến lo lắng khi mình sắp đến tuổi hưu, lương hiện tại gần 10 triệu đồng/tháng nhưng với chính sách hiện nay, khi về nghỉ hưu, mỗi tháng chỉ còn được lãnh hơn 2,1 triệu đồng/tháng. Chị Mến cũng phản ảnh, vừa qua, Đồng Nai có hiện tượng một công ty lớn vận động cho công nhân trên 35 tuổi nghỉ việc. Điều này làm những người lớn tuổi thấy bất an.

 

Thủ tướng dự bữa ăn ca với công nhân.

Với chuyện của mình, nam công nhân Nguyễn Gia Thái (quê Hà Tĩnh) nói mơ ước với Thủ tướng: mong ước lớn nhất của công nhân là có căn nhà vì ở trọ cũng từng mất an ninh trật tự, chưa đảm bảo. Theo anh Thái, ước mơ có căn nhà để ổn định thì có công nhân gom tiền đi mua nhà phân lô, bán nền giá rẻ nên đầy rủi ro... Mong Thủ tướng có chính sách đảm bảo an ninh trật tự, có chính sách nhà ở, có thông tin để cho công nhân tìm được một chỗ ở an tâm với công việc".

Những nỗ lực từ địa phương

Báo cáo với Thủ tướng sau một năm Thủ tướng đến địa bàn chỉ đạo thực hiện chính sách cho công nhân, bà Nguyễn Thị Như Ý - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai cho biết có nhiều doanh nghiệp lớn thực hiện tốt chính sách cho công nhân như: hỗ trợ tiền xăng, tiền nhà trọ, tổ chức tham quan, vui chơi giải trí... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đã xây dựng ký túc xá, nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con em công nhân. Một số doanh nghiệp như Công ty gia công giày cho Nike tổ chức học bổ túc văn hóa, ngoại ngữ cho người lao động.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang có 12 dự án xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân với diện tích gần 68 ha để phục vụ khoảng 98.000 công nhân.

Đối với chất lượng bữa ăn, Liên đoàn Lao động đã nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động bằng cách giám sát khâu chế biến, kiểm tra mẫu để giám sát việc thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Thủ tướng cũng biểu dương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tập đoàn Teakwang Vina đã phối hợp cùng chính quyền chăm lo cho công nhân.

Ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đã báo cáo với Thủ tướng về những việc chính quyền tỉnh đã và đang cố gắng thực hiện trong nhiều năm qua, như chỉ đạo xây dựng các mô hình nhà trọ, phối hợp với doanh nghiệp dành quỹ đất để xây trường mẫu giáo, ký túc xá... Ông Cường kể lại từng mời doanh nghiệp nhắc nhở việc có ý định sa thải công nhân lớn tuổi. Ông Cường nhấn mạnh: "Vùng đất Đồng Nai có nhiều người ở các nơi khác về hội tụ, làm giàu cho tỉnh, cho đất nước, cho nên quan điểm của tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất..."

Xúc động trước những chuyển biến

Trước nhiều ý kiến của công nhân về thu nhập, bữa ăn, chỗ ở, vui chơi học hành…Thủ tướng nhận xét: "Sau 18 tháng trở lại, nhìn thấy những chuyển biến tích cực của đời sống công nhân khiến tôi xúc động. Đó là nhà mẫu giáo cho con em công nhân, công nhân làm việc lâu năm có thu nhập khá, chất lượng bữa ăn có tăng lên như chính công nhân nói”.

Thủ tướng cũng biểu dương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Tập đoàn Teakwang Vina đã phối hợp cùng chính quyền chăm lo cho công nhân.

Theo Thủ tướng, từ mô hình chăm lo tốt đời sống người lao động của Tập đoàn Teakwang Vina, cần nhân rộng những cái hay, tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa giải trí cho công nhân. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chính quyền, doanh nghiệp cũng cần đào tạo, nâng cao trình độ cho công nhân.

Thủ tướng nhắc nhở việc công nhân phản ánh mất trộm, các địa phương phải quản lý tốt hơn nhà trọ để công nhân an tâm nghỉ ngơi, làm việc. Có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ ở các khu công nghiệp. Đồng thời phải rà soát các chính sách để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, không để xảy ra bãi công, lãn công...

Trong tương lai, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tất cả các địa phương khi quy hoạch đất, cần dành đất để xây chung cư, căn hộ, ký túc xá cho công nhân. Chính phủ có chính sách ưu đãi.

Tỉnh Đồng Nai hiện có 35 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 12.000ha, trong đó có 32 khu công nghiệp đã hoạt động với 70% diện tích đã cho thuê. Hiện toàn tỉnh đã có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư trên 1.500 dự án, trong đó có 1.100 dự án FDI...

Tại các khu công nghiệp có trên 2.800 công đoàn cơ sở với hơn 655.000 đoàn viên.Riêng khu công nghiệp Biên Hòa, công nhân làm ở các doanh nghiệp có mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ tháng.Tại địa bàn các doanh nghiệp áp dụng Nghị định153/NĐ-CP  năm 2016 đã tăng lương tối thiểu lên 7%, đặc biệt có doanh nghiệp điều chỉnh từ 500.000 đồng lên 1,6 triệu đồng/người.

Theo Ngọc Hiếu/Báo Pháp luật

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều