Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thúc đẩy mạnh mẽ phục hồi, phát triển kinh doanh

Sáng 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội.

Hội nghị thảo luận các nhóm giải pháp: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã diễn ra ở hầu hết các nước, để lại hậu quả lớn trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đời sống sinh hoạt của người dân, trong đó có nước ta.

Trước tình hình trên, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch và đã đạt được những kết quả tích cực. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19. Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị 15, 16 về công tác phòng, chống dịch; các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt.

Khi dịch xảy ra, Việt Nam đã chủ động, kịp thời từ trước, trong và sau Tết nguyên đán; có biện pháp đúng như cách ly tập trung; thực hiện phương châm "chống dịch như chống giặc". Cả hệ thống chính trị, toàn đảng toàn dân toàn quân quyết liệt chống dịch.

Tuy vậy, dịch vẫn còn, lây nhiễm trong cộng đồng vẫn là nguy cơ, do đó, Thủ tướng nhấn mạnh lại tinh thần, không được chủ quan, lơ là; đồng thời cuộc họp nhằm bàn thảo những giải pháp cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, dịch COVID-19 đã và đang gây tác động đến kinh tế xã hội toàn cầu. Nhiều dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu... đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm ở mức sâu, dầu thô bị chịu tác động kép của dịch cả về giảm giá thành và lượng xuất khẩu. Cùng với đó là nạn thất nghiệp trên toàn cầu.

Một cú sốc, một cuộc suy thoái toàn cầu đang diễn ra nếu dịch lan ra diện rộng, được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế lớn như hiện nay.

Do nền kinh tế của Việt Nam có sự hội nhập, độ mở cao, nên dịch đã tác động sâu đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống xã hội. Chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại bị gián đoạn; đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mất việc làm trong ngắn hạn.

Thủ tướng cho biết, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra.

"Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển kinh doanh thì sẽ dẫn đến những hệ lụy, kể cả có thể bất ổn xã hội, trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị đại hội Đảng các cấp và toàn quốc" - Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ, hội nghị trực tuyến "4 trong 1" này nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.

Nhiệm vụ là đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống, khống chế, không cho lây lan, khống chế được dịch bệnh. "Chúng ta biến nguy thành cơ, sau dịch làm thế nào để nền kinh tế không những tăng tốc bù đắp những tổn thất to lớn vừa qua mà còn có tầm nhìn, định hướng về một Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhắc lại truyền thống của người Việt trong lịch sử, chưa bao giờ chùn bước trước khó khăn, luôn mạnh mẽ và đứng cao hơn thách thức nhờ vào khí phách dân tộc, sự quyết tâm, đồng thuận trên dưới một lòng, Thủ tướng mong muốn phát huy truyền thống tốt đẹp này không chỉ trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 mà còn trong nguy cơ đứt gãy của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn, ghi nhận toàn thể người dân, cộng đồng doanh nghiệp đã đồng hành cùng Chính phủ, vượt lên những vướng mắc, bất tiện do giãn cách xã hội và các giải pháp phòng, chống dịch khác. Quyết tâm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các dự báo lạc quan về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Đặt vấn đề "như 1 chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật lên" để phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội trước tác động của dịch, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước đã đưa ra các gói hỗ trợ như: về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó là có giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, yêu cầu giải ngân hết trong năm nay. Đặc biệt là giải ngân các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, Trung Lương - Cần Thơ, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành,...

Nêu quan điểm "càng khó khăn càng quyết tâm", tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương góp ý, tham mưu sửa đổi thủ tục, quy định hành chính tạo điều kiện mạnh mẽ hơn, sức bật mạnh hơn cho nền kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các đầu tàu kinh tế, các tập đoàn lớn, ngân hàng, các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm nỗ lực cùng Chính phủ đảm bảo kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng cũng lưu ý về đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Do đó cần có những cải cách vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh để đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư sang các nước Đông Á, Đông Nam Á trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam.

Về cơ chế, chính sách, an sinh xã hội, trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, các cấp đã dành khoản 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân thất nghiệp, khó khăn, Thủ tướng lưu ý các địa phương triển khai tốt, đảm bảo đúng đối tượng, hỗ trợ đời sống người dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an, các tỉnh, thành phố phải có kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là trộm cắp, tội phạm hình sự, tội phạm phát sinh do thất nghiệp, tội đầu cơ, tăng giá, các thế lực lợi dụng tình hình dịch để chống phá nhà nước,....

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố tham gia các ý kiến, kiến nghị cụ thể nhằm tháo gỡ các vướng mắc và tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Theo Quang Vũ - Xuân Tùng (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều