Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án cao tốc bắc-nam phía đông, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn

Sáng 1/1, tại xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tại điểm cầu Quảng Ngãi ấn nút khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam.
Trước khi dự lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến dâng hương tưởng niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Khu lưu niệm ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức; thăm hỏi, động viên, tặng quà cho 30 hộ gia đình ở xã Đức Hòa (huyện Mộ Đức) đã di dời, tái định cư để nhường đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, giai đoạn 2021-2025, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. 

Dự án cao tốc bắc-nam phía đông đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn là một trong số 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam phía đông được đồng loạt tổ chức khởi công theo hình thức kết nối trực tuyến với 11 điểm cầu ở các tỉnh. Trong đó, 3 điểm cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang. Quảng Ngãi được chọn là điểm cầu trung tâm.

Cùng dự lễ khởi công tại điểm cầu Quảng Ngãi có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và đông đảo bà con nhân dân.

Tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063km từ cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642km, đang triển khai thi công 622km.

Với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án cao tốc bắc-nam phía đông theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025.

Dự án có tổng chiều dài 729km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án gần 147 nghìn tỷ đồng; quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có chiều dài 88km đi qua các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) và thị xã Hoài Nhơn (Bình Định, với tổng mức đầu tư 20.470 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu.

Dự án có điểm đầu kết nối với cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi tại Km127+720 thuộc xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 629, thuộc phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định).

Gói thầu đầu tiên thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn được khởi công là gói XL1 dài 30km, có giá trị 3.862 tỷ đồng, thời gian thi công 34 tháng; với quy mô công trình: đường bộ cấp I và 31 công trình cầu (4 cầu cấp II, 20 cầu cấp III, 7 cầu cấp IV).

Nhà thầu được chỉ định thực hiện gói thầu XL1 là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV)-Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng Dacinco, do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu Liên danh.

Phát biểu tại lễ khởi công ở điểm cầu trung tâm Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng cho biết, ngày đầu tiên của năm 2023, tại mảnh đất Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, có bề dày lịch sử, văn hóa và 11 địa điểm khác đã diễn ra đồng loạt Lễ khởi công xây dựng 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu trung tâm Quảng Ngãi.
Thủ tướng biểu dương Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn; chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã rất quyết tâm, nỗ lực, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục khó khăn, hoàn thiện rất nhiều thủ tục, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.

Thủ tướng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 10 năm tới, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000-2020, khoảng 1.000km, trong đó có một số đoạn chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc.

Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, Thủ tướng cho rằng, kết quả ban đầu là rất đáng khích lệ, nhưng thời gian tới, công việc rất lớn và nhiều khó khăn, thách thức.

Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện dự án là bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; không được tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng thi công, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, thưởng-phạt nghiêm minh; kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; tinh thần là đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, thực hiện phải có hiệu quả.

Đề cập nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 nối thông tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại, xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, an toàn, giữ gìn môi trường; tuân thủ tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Quang cảnh lễ khởi công tại điểm cầu trung tâm Quảng Ngãi. 
Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, bảo đảm các dự án thành phần hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.

Các Bộ, ngành liên quan của Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công dự án bảo đảm tiến độ, hiệu quả. Đặc biệt, 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp bố trí và ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho dự án ở khu vực phía nam.

Ủy ban nhân dân các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật. Tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý II/2023. Đặc biệt, quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ.

Các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia dự án phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện các công việc chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm, làm việc thực chất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, chủ động nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.

Đối với nhà thầu thi công phải huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, tài chính để tập trung hoàn thành gói thầu; các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công phải thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền, bảo đảm mục tiêu chính là tiến độ và chất lượng công trình.

“Đầu tư hạ tầng giao thông không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải mà còn là nhiệm vụ của các địa phương, các Bộ, ngành vì chính lợi ích thiết thực của các địa phương, vì sự phát triển của đất nước. Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.

Đề cập việc giải ngân đầu tư công, Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Bộ Giao thông vận tải đã phát động Phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường xây dựng công trình giao thông; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân đầu tư công.

Thủ tướng yêu cầu các ban, Bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, thống nhất trong nhận thức và hành động để tạo cao trào thi đua giải ngân đầu tư công bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Trong đó, đề cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu trong tổ chức chỉ đạo, điều hành, xử lý các vướng mắc tác động đến dự án đầu tư công. Tập trung chỉ đạo thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, các dự án đường sắt đô thị, hạ tầng văn hóa, xã hội; làm thủ tục thanh toán tại kho bạc ngay sau khi có khối lượng.

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan.

Thủ tướng đề nghị, ngay sau lễ phát động, các ban, Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công tập trung thi đua thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, tạo khí thế thi đua sôi nổi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền nội dung của Tháng thi đua cao điểm, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Người đứng đầu Chính phủ trân trọng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và ở các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vận động đoàn viên, hội viên tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua và Tháng thi đua cao điểm, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và cả giai đoạn 2021-2025.

Kết thúc buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh và ấn nút khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 và phát động Tháng thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều