Tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cũng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, trong đó có việc thu hồi tài sản tham nhũng. Trong thời gian tới, các cơ quan tố tụng cần tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; ngăn chặn không để các đối tượng tẩu tán, chuyển dịch tài sản, bao gồm cả chuyển dịch tài sản ra nước ngoài.

Báo cáo của Chính phủ: Còn hạn chế trong công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng

Phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 05/9.

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ tại phiên thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 05/9, cho biết, công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Minh bạch tài sản, thu nhập là một trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc trong năm 2018. Theo đó, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. 44 người thuộc diện kê khai đã được xác minh tài sản, thu nhập. Theo báo cáo, việc này chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Còn một số trường hợp được xác minh do quá trình công khai tại nơi công tác có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực hoặc dư luận, phản ánh của nhân dân, báo chí. Qua đó, phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật cảnh cáo 1 trường hợp tại Yên Bái; khiển trách 1 trường hợp và kiểm điểm 1 trường hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh; xử lý kỷ luật 2 trường hợp tại Bộ Công Thương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đang xem xét kỷ luật 1 trường hợp tại thành phố Hà Nội.

Báo cáo cũng cho biết, năm 2018 có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 3 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã nỗ lực, cố gắng, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử; việc xét xử được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ, công tác phòng chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ cơ quan, báo cáo nêu rõ.

Đáng lưu ý, vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong kỳ, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra 22 vụ án tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, trong đó án mới khởi tố trong kỳ 17 vụ/23 bị can.

Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho xử lý tham nhũng tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập….

Báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Trong 5 năm qua, toàn ngành kiểm sát tiến hành 2.180 cuộc kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trực thuộc

Báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn ngày 07-9, cho thấy, trong 05 năm, toàn ngành kiểm sát tiến hành 2.180 cuộc kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các viện kiểm sát nhân dân các cấp và tổ chức cơ sở đảng về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa; về công tác phát hiện qua kiểm tra, thanh tra vụ việc; về phát hiện, xử lý tham nhũng, sai phạm kinh tế thông qua công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng; thông qua công tác tự kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện việc luân chuyển, biệt phái cán bộ, qua đó có điều kiện thực tế để phấn đấu; tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ và kiện toàn bộ lực lượng thanh tra của 63 tỉnh, thành phố đảm bảo về số lượng và chất lượng; đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ của cán bộ cơ quan điều tra.

Tổng số đơn thư tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tham nhũng được ngành kiểm sát thụ lý, kiểm sát việc giải quyết là 1.138 vụ việc; trong đó, Cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố 556 vụ án tham nhũng; ra quyết định khởi tố 344 vụ việc, trường hợp, chuyển xử lý khác 60 vụ việc, tạm đình chỉ 65 vụ việc, tỷ lệ giải quyết đạt 90%.

Toàn ngành đã khởi tố điều tra 8.181 vụ/14.074 bị can; truy tố 6.785 vụ/12.705 bị can; xét xử sơ thẩm 6.275 vụ/12.148 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, kinh tế; biệt phái Kiểm sát viên ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ở các địa phương; Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cáo đã bám sát các Thông báo Kết luận của Tổng Bí thư tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tổng số thụ lý 59 vụ án/649 bị can; đã kết thúc điều tra, truy tố và xét xử được 38 vụ/450 bị cáo. Trong đó, các cơ quan tố tụng đã khẩn trương đưa ra xét xử 08 vụ án trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng

Báo cáo của Chính phủ xác định, để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, năm 2019, Chính phủ tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể. Một trong những phương hướng, nhiệm vụ được xác định là: Đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan phòng chống tham nhũng.

Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; quản lý sử dụng đất đai …

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác này, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng; xem xét, thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiện sát nhân dân Tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế và thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị với Trung ương hoàn thiện quy định về giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng; quy định về kê biên tài sản. Các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương nên trưng dụng thêm các chuyên gia ở các lĩnh vực cùng tham gia để kết quả kiểm tra, giám sát được chính xác, trung thực, khách quan, công bằng; đồng thời chọn lọc các đơn vị, địa phương có những vụ án tham nhũng, kinh tế điển hình để kiểm tra sâu, xử lý nghiêm, triệt để nhằm răn đe, tạo uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc kiểm tra, đánh giá việc sơ kết 05 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao những kết quả mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đạt được trong thời gian qua; đề nghị trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động trong nội bộ ngành cũng như các hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là với các vụ việc, vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng; ngay từ khi khởi tố vụ án phải chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng kê biên tài sản, ngăn chặn không để các đối tượng chuyển dịch tài sản ra nước ngoài; chỉ đạo các viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án tham mưu cho tỉnh ủy xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp ở địa phương, đáp ứng yêu cầu chính trị cũng như sự tin tưởng của người dân; tiếp tục phát huy những cách làm hay để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo ĐT/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều