Tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần thực chất, sát thực tiễn

(Mặt trận) - Ngày 5/11, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo tiêu chí Quốc gia và quy trình xét, công nhận nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành, cán bộ Mặt trận ở Trung ương và địa phương.
 Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị 
Phấn đấu ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng NTM đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm; trong đó ưu tiên xây dựng nhân lực, vật lực của các cấp. Kết quả xây dựng NTM đã khẳng định tính đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ tích cực của người dân. Hiện nay, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi toàn diện cả về cơ sở hạ tầng và hạ tầng xã hội phục vụ đời sống nông dân theo hướng hiện đại, gắn với phát triển đô thị.

Tuy nhiên, qua quá trình vận hành đã xuất hiện những nội dung chưa phù hợp cần phải chỉnh sửa. Để tiếp tục đưa ra các nội dung trọng tâm để xây dựng NTM, Nghị quyết 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025 cả nước ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Phấn đấu ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó ít nhất 20% số huyện được công nhận NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh có ít nhất hai huyện đạt chuẩn NTM.

Phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí do UBND cấp tỉnh công nhận.

Theo dự thảo của Bộ NN-PTNT, Bộ Tiêu chí quốc gia và quy trình xét công nhận NTM giai đoạn 2021-2025 chỉ áp dụng cho xã, huyện. Còn đối với cấp tỉnh, Bộ NN-PTNT thống nhất với ý kiến của các bộ ngành đề nghị trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương chưa xây dựng bộ tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM mà chỉ quy định điều kiện xét, công nhận “tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM”. Lý do là chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá, nghiên cứu, đề xuất ban hành tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM.

Xây dựng NTM cần thực chất, không chạy theo phong trào, không lãng phí, phô trương

 Đại biểu tham dự Hội nghị 
Thảo luận về dự thảo bộ tiêu chí, các ý kiến đều cho rằng, trong quá trình xây dựng NTM, người dân luôn yêu cầu phải công khai, minh bạch các khoản đóng góp để xây dựng NTM, phải nói rõ nhà nước chi bao nhiêu, dân góp bao nhiêu. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa tình trạng đua nhau xây dựng hạ tầng NTM sau đó nợ đọng xây dựng cơ bản rất lớn. Trong quá trình xây dựng, tiêu chí nào lạc hậu thì phải loại bỏ, đồng thời bổ sung các tiêu chí mới, phù hợp với xây dựng NTM giai đoạn mới. Bộ tiêu chí cần quan tâm đến tính đặc thù của từng vùng miền vì mỗi địa phương đều có bản sắc riêng, nên nếu áp dụng đồng bộ thì sẽ không phù hợp vì quy hoạch của từng xã, từng khu vực, từng vùng miền.

Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, xây dựng NTM là cuộc vận động được người dân hồ hởi tham gia, vì quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, ông đề nghị cần tính toán việc xây dựng để không lãng phí, đơn cử như xây dựng sân vận động, không nhất thiết thôn nào cũng có 1 sân vận động, mà có thể 2-3 thôn có 1 sân vận động. Ông cũng đề nghị việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được chú trọng.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, tiêu chuẩn NTM phải có doanh nghiệp, vì không có lực lượng này thì không thể đưa nông thôn phát triển. Bên cạnh đó, cần có tiêu chí về các câu lạc bộ liên quan đến sáng kiến, cải tiến cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển điện tử thương mại… Hoặc cần có tổ hòa giải để giúp giải quyết những mâu thuẫn trong nhân dân. Nên đặt ra tỷ lệ 30%-40% phải là tiêu chí mới, không phải là những tiêu chí lâu nay mà NTM đã có, các tiêu chí mới cần thực chất để trở thành động lực cho nông thôn phát triển trong giai đoạn mới, ví dụ như tiêu chí nông thôn thông minh.

“Nếu ứng dựng tốt CNTT thì rất có lợi cho nông thôn, nhất là trong phát triển du lịch, tiêu thụ nông sản. Đã có những trường hợp nhờ thương mại điện tử mà phát triển tiêu thụ nông sản rất tốt”, ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tiêu chí NTM phải xuất phát từ địa bàn dân cư nông thôn thì mới bảo đảm thực chất, không hình thức. “Hiện nay, nông thôn, nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, do đó, nhà nước vẫn phải đầu tư là chính. Phải bảo đảm đầu tư trường, đường, trạm. Cùng với đó, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nông dân rất tốt, nhiều người hiến đất để làm trường làm đường, do đó, nông dân phải là người được thụ hưởng trong quá trình này”, ông Đỗ Duy Thường nói.

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị phải tôn trọng sự đa dạng của nông thôn, không nên “gò” chung một tiêu chuẩn cho nông thôn cả nước. Mục tiêu là phải xây dựng các xã NTM sạch đẹp, an ninh trật tự được bảo đảm, để nông thôn là nơi mà ai cũng muốn trở về, muốn đến. Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần hạn chế tình trạng xây dựng nhà văn hóa nhưng không ai vào sinh hoạt. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng NTM ở khu vực khó khăn, nếu không khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng ngày càng lớn. Ông đề nghị cần đánh giá sâu sắc việc xây dựng NTM giai đoạn qua để đưa ra những tiêu chí thật phù hợp, sát thực tiễn; tránh đưa ra những tiêu chí mà ngay cả người dân cũng không hiểu.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, cần hạn chế tình trạng xây dựng nhà văn hóa nhưng không ai vào sinh hoạt. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng NTM ở khu vực khó khăn, nếu không khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng ngày càng lớn; cần đánh giá sâu sắc việc xây dựng NTM giai đoạn qua để đưa ra những tiêu chí thật phù hợp, sát thực tiễn; tránh đưa ra những tiêu chí mà ngay cả người dân cũng không hiểu…

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, trong quá trình xây dựng NTM, người dân luôn yêu cầu phải công khai, minh bạch các khoản đóng góp để xây dựng NTM, phải nói rõ nhà nước chi bao nhiêu, dân góp bao nhiêu. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa tình trạng đua nhau xây dựng hạ tầng NTM sau đó nợ đọng xây dựng cơ bản rất lớn. Trong quá trình xây dựng, tiêu chí nào lạc hậu thì phải loại bỏ, đồng thời bổ sung các tiêu chí mới, phù hợp với xây dựng NTM giai đoạn mới. Các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Bộ tiêu chí cần quan tâm đến tính đặc thù của từng vùng miền vì mỗi địa phương đều có bản sắc riêng nên nếu áp dụng đồng bộ thì sẽ không phù hợp vì quy hoạch của từng xã, từng khu vực, từng vùng miền.

 Quang cảnh Hội nghị 
Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện các mục tiêu quốc gia, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có những đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, cổ vũ, động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM. Thực hiện hiệu quả công tác giám sát trong xây dựng NTM cũng như lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được hệ thống chính trị các cấp và mọi tầng lớp nhân dân ghi nhận.

“Trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam đã thực hiện lấy ý kiến của nhân dân đối với kết quả xây dựng NTM ở 2 tỉnh; 223 cuộc cấp huyện, 5.634 cấp xã”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thông tin.

Đánh giá cao sự chủ động trong công tác tổng hợp, tham mưu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về dự thảo các Bộ tiêu chí Quốc gia và quy trình xét, công nhận NTM, giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung mới, có tính thiết thực, phù hợp với thực tiễn, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, việc này thể hiện sự kết hợp định hướng của Trung ương với tính chủ động của mỗi địa phương trong việc xác định từng nội dung trong mỗi chỉ tiêu để thực hiện.

Cùng với đó, hệ thống biểu mẫu trong hồ sơ, công nhận và hồ sơ xét, thu hồi được xây dựng chi tiết, công phu, phù hợp với các bước trong quy trình và có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể với sự lượng hóa bằng các chỉ số đo đếm được, nhằm tạo cơ sở để đánh giá đúng thực chất và khách quan các tiêu chí trong quá trình thực hiện.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, những ý kiến phản biện và đề xuất các giải pháp của các đại biểu sẽ là những kinh nghiệm, bài học phong phú được rút ra từ thực tiễn giúp cho UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan Trung ương cũng như mỗi địa phương có những giải pháp mới trong quá trình thực hiện.

Với cơ quan chủ trì phản biện xã hội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp và phản ánh đầy đủ các ý kiến của các đại biểu đến Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, góp phần đưa Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đi vào cuộc sống, đảm bảo chất lượng, bền vững, để nông thôn thực sự là nơi đáng sống, là niềm tự hào của nông dân Việt Nam.

Hương Diệp - ảnh Kỳ Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều