Triển khai nội dung công tác phối hợp năm 2023 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc

(Mặt trận) - Ngày 7/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp công tác năm 2023. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Y Vinh Tơr, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Tham dự Hội nghị có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.

Chủ trì Hội nghị

Quyết liệt, sáng tạo, chủ động, bám sát kế hoạch đã đề ra

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ, năm 2022 mặc dù còn rất nhiều khó khăn thách thức nhưng với tinh thần quyết liệt, sáng tạo, chủ động, bám sát kế hoạch đã đề ra, chương trình phối hợp của hai bên đã đạt được nhiều kết quả rất thiết thực.

Các công việc thường xuyên về công tác dân tộc được hai bên phối hợp triển khai bài bản, hiệu quả và kịp thời như: Tuyên truyền, nắm bắt tình hình đồng bào dân tộc để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước; Kiểm tra, giám sát, khảo sát về chính sách dân tộc; Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người uy tín các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; Tổ chức gặp mặt, đón tiếp các đoàn đại biểu người dân tộc; thăm hỏi, động viên đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến là người dân tộc…

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những hoạt động thường xuyên đó trong năm 2022, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như phối hợp bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách dân tộc như phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến về chủ đề: “Chủ nghĩa dân tộc trong thế giới đương đại - Vấn đề đặt ra cho Việt Nam”; Tổ chức hội thảo “Những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi” trong đó có giải pháp giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Ban hành kế hoạch giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh những kết quả đạt được khẳng định sự nỗ lực trong thực hiện kế hoạch, chương trình phối hợp giữa hai bên đã đề ra, đồng thời góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi đối với Đảng và Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại Hội nghị

Trình bày báo cáo kết quả triển khai Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, qua hơn một năm tổ chức triển khai thực hiện, công tác phối hợp theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương giữa hai cơ quan đã đạt được những kết quả thiết thực.

Theo đó, lãnh đạo 2 cơ quan đã chủ động phối hợp phổ biến, tuyên truyền đến nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719); tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động; Phối hợp đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền phổ biến các bộ luật có nội dung, tác động trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật tiếp công dân, Luật Đầu tư, Nghị quyết của BCH Trung ương về Quy hoạch tổng thể Quốc gia...

Cùng với đó, hai cơ quan cũng phối hợp phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, hội viên là người dân tộc thiểu số, ban công tác mặt trận ở khu dân cư trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Đặc biệt trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Ban Dân tộc các tỉnh, thành, các tổ chức chính trị- xã hội, các hội quần chúng đã phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh; kêu gọi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, thuốc, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm ở vùng đồng bào DTTS như “Phiên chợ 0 đồng”, “Cửa hàng 0 đồng”, “Cửa hàng nhân ái”, “Chuyến xe tình nghĩa” “10.000 ly sữa cho trẻ vùng dân tộc thiểu số”.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phản ánh kịp thời với cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc phát sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trong thôn bản, giữ gìn an ninh biên giới, vận động đồng bào các dân tộc khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không di cư tự do, không tham gia truyền đạo trái phép; phối hợp thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cho người có uy tín chưa có thẻ, cấp phát báo, tạp chí cho người có uy tín; tổ chức cho người có uy tín tiêu biểu đi học tập, trao đổi kinh nghiệm và tham quan địa phương.

Hai cơ quan cũng đã phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương, phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội giám sát việc thực hiện tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người uy tín. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 52/63 tỉnh, thành phố vùng DTTS, miền núi đã xây dựng kế hoạch giám sát Chương trình MTQG 1719, nội dung chủ yếu tập trung vào giám sát công tác triển khai thực hiện; giám sát việc phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác thuộc Chương trình; giám sát việc xác định phạm vi và đối tượng thụ hưởng Chương trình.

Tiếp tục triển khai 8 nội dung trọng tâm trong năm 2023

 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu tại Hội nghị

Về nội dung phối hợp giữa hai cơ quan trong năm 2023, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, hai bên phối hợp trong công tác tuyên truyền đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;  Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức Biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2020-2022.

Trong năm 2023, hai cơ quan cũng phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; Phối hợp tuyên truyền, triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát; tổ chức hội thảo, tập huấn, xây dựng mô hình điểm về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025.

Cùng với đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc cũng phối hợp tổ chức các hoạt động thăm hỏi, gặp mặt, động viên đồng bào DTTS&MN nhân các ngày lễ, tết truyền thống của các dân tộc thiểu số; kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số, người có uy tín có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; Phối hợp tổ chức khảo sát tình hình đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang lao động tại các khu công nghiệp, các thành phố lớn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bất cập nảy sinh trong cuộc sống để nghiên cứu đề xuất về chủ trương, chính sách với Đảng, Nhà nước; Phối hợp tổ chức các hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án luật liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, trao đổi về những kết quả, kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nêu lên các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn hai cơ quan sẽ đánh giá sâu sắc hơn nữa về kết quả triển khai nội dung chương trình phối hợp năm 2022, từ đó điều chỉnh và định hướng những nhiệm vụ triển khai trong năm 2023 theo hướng thực chất, hiệu quả hơn nữa.

Ông Hầu A Lềnh cũng cho rằng trong năm 2023, hai cơ quan cần phối hợp để tuyên truyền, triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai Chương trình MTQG 1719; phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ làm công tác dân tộc các cấp; phối hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh kịp thời những vấn đề bức thiết của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi với Đảng, Nhà nước, đồng thời tổng hợp vào báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đối với việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia tại các kỳ họp của Quốc hội trong năm 2023.

Bên cạnh đó, từ nội dung chương trình phối hợp, Uỷ ban Dân tộc sẽ chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan công tác dân tộc các cấp phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp xây dựng, ký kết và triển khai thực hiện chương trình phối hợp năm 2023.

“Năm 2023, hai cơ quan sẽ lượng hoá các công việc cần phối hợp để hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra và có sản phẩm cụ thể”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh và đồng thời mong muốn Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam thường xuyên quan tâm, phối hợp để phát huy hơn nữa vai trò của Ban Công tác Mặt trận, cán bộ Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên để động viên nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó góp phần triển khai các chính sách về dân tộc hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị

Thực hiện chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến hoan nghênh, đánh giá cao hai cơ quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng hội nghị sơ kết chương trình phối hợp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 để cùng thống nhất những nội dung trong chương trình phối hợp.

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2023, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, hai cơ quan cần rà soát lại các nội dung để công tác phối hợp thực chất, hiệu quả, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc thiểu số để phản ánh với Đảng, Nhà nước những vấn đề bức xúc đặt ra trong thực tiễn nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, giảm dần khoảng cách giữa vùng phát triển và vùng khó khăn.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kỳ vọng trong thời gian tới từ nội dung chương trình phối hợp sẽ góp phần củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và củng cố niềm tin của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Đảng, Nhà nước.

“Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang rất cần những sự chung tay góp sức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong đó trông cậy vào đội ngũ những người làm công tác dân tộc để nói lên tiếng nói đồng bào, tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách phù hợp, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó thực hiện được chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là các dân tộc bình đẳng đoàn kết tôn trọng giúp đỡ nhau cùng phát triển” Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều