Tuyệt đối không để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam

“Chính phủ tuyệt đối không để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam, kiên quyết bảo vệ thành quả chống dịch để đảm bảo cho việc thực hiện thành công mục tiêu kép”, là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 24/6.

Thủ tướng nhấn mạnh, không thể nôn nóng phát triển kinh tế mà mở cửa ồ ạt; trong chỉ đạo, luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác khi mà tình hình diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp trên toàn cầu. 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc chiều 24/6. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tính đến sáng 25/6, thế giới đã ghi nhận 9.503.073 người mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 483.677 người đã tử vong. Châu Mỹ vẫn tiếp tục là tâm dịch của thế giới và Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với trên 2,2 triệu ca mắc và trên 120 ngàn người tử vong.

Đáng chú ý, quốc gia láng giềng sát vách với Việt Nam là Trung Quốc đang có nguy cơ diễn ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 2. Bắc Kinh, nơi được xem là chống dịch tốt nhất tại Trung Quốc khi đã 56 ngày không có ca nhiễm mới, nhưng ngày 11/6 vừa qua, Bắc Kinh xác nhận ca nhiễm mới tại quận Tây Thành, chỉ vài ngày sau, con số tăng chóng vánh và đến thời điểm này đã có 256 ca bệnh COVID-19. 

Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nếu Việt Nam chỉ cần lơ là, không làm tốt việc ngăn chặn dịch xâm nhập, không phát hiện kịp thời các ca bệnh nếu có, dịch sẽ bùng lên. 

Đến sáng 25/6, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 70 không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Việt Nam cũng đã điều trị khỏi cho 329/352 bệnh nhân COVID-19 (chiếm 93,5%); còn 23 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe ổn định. Trong số này, có 2 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và 3 ca âm tính lần 2 trở lên.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn.

Bởi vậy, tinh thần chung là khẩn trương, quyết liệt thực hiện "mục tiêu kép", vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả,  trong đó bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. Xuyên suốt và nhất quán, mọi giải pháp phòng, chống dịch của Việt Nam đều hướng vào mục tiêu đó, không để làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 trở lại Việt Nam.

Tuy nhiên, sự chủ quan bắt đầu xuất hiện khi số ca mắc mới ngày càng thưa nhặt và tất cả các ca mắc COVID-19 mới đều đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19 chiều 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại yêu cầu không thể chủ quan. Để dịch bệnh quay trở lại, không chỉ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, mà còn có thể khiến niềm tin của cộng đồng quốc tế vào thành quả chống dịch của Việt Nam lung lay. 

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, việc kiểm soát dịch tại Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.

Cùng lúc, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020 được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho xuất khẩu thời gian tới. Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành chủ động triển khai các giải pháp kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa với thị trường quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, cử các đoàn công tác đến các vùng, địa bàn cơ bản an toàn để thúc đẩy giao thương chứ không chỉ trao đổi trực tuyến. EVFTA đã ký rồi, bây giờ vùng nào an toàn thì thúc đẩy xuất khẩu, bởi đây là lĩnh vực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng ở nước ta.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng giao Bộ này chủ trì phối hợp với Bộ Y tế triển khai giám sát xét nghiệm COVID-19 đối với thực phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 42, Nghị quyết 84 và các biện pháp khác để xử lý, tháo gỡ những khó khăn cũng như an sinh xã hội.

Trước yêu cầu việc mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, Thủ tướng nêu rõ: Việt Nam chưa mở cửa đón khách du lịch, nhưng mọi chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư đều có thể vào Việt Nam với phương thức cách ly phù hợp.

Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian ngắn để thực hiện các hoạt động như xúc tiến đầu tư, ký kết các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế; đồng thời tổ chức tốt việc cách ly tại các khu cách ly tập trung do quân đội quản lý đối với các lưu học sinh nhập cảnh vào Việt Nam để học tập. 

Tính đến ngày 22/6, Việt Nam đã triển khai cách ly tại 161 điểm với tổng sổ 75.776 người. Riêng từ đầu tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 42 chuyến máy bay, cách ly 9.760 công dân nhập cảnh, trong đó có 9.109 công dân Việt Nam và 651 người nước ngoài.  

Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tại biên giới đường bộ, nhất là các đường mòn, lối mở, phòng dịch chặt chẽ tại các cơ sở cách ly. UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như các tỉnh có cửa khẩu hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, đường thủy quốc tế, lựa chọn khu vực an toàn cho các thương nhân thực hiện việc trao đổi, ký kết với các đối tác khi vào Việt Nam.

Để đảm bảo cuộc sống người dân trở lại ổn định trong tình trạng “bình thường mới”, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 theo dõi, bám sát mọi diễn biến để kiên trì thực hiện 5 nguyên tắc gồm: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng và dập dịch. Bộ Y tế duy trì đảm bảo năng lực đáp ứng cho mọi tình huống xấu xảy ra; ban hành hướng dẫn, tập huấn quy trình chuẩn cho các địa phương và người dân.

Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng các hướng dẫn chi tiết về giám sát dịch, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi làm việc, trường học, nhà máy, khu dân cư, các khu tập trung đông người như chợ, rạp hát, sân vận động, ký túc xá của người lao động... đảm bảo công tác phòng bệnh chủ động tại cộng đồng, đảm bảo sản xuất song song cùng với an toàn phòng, chống dịch. 

Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng các hướng dẫn về điều kiện đảm bảo cho mở cửa hàng không, du lịch quốc tế; xây dựng các tiêu chí đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm soát tốt dịch bệnh.  

Bộ Y tế cũng đã xây dựng phương án xét nghiệm cho giai đoạn có ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài về, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ địch khu trú, chuẩn bị phương án xét nghiệm cho trường hợp bệnh lây lan rộng trong cộng đồng… 

“Chính phủ tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam”. Muốn vậy, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và hành động, tiếp tục hưởng ứng, thực hiện nghiêm những chỉ đạo cụ thể, sắc bén của người đứng đầu Chính phủ, để Việt Nam duy trì được thành quả trên cả hai mặt trận chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Theo TTXVN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều