UB MTTQ TP. Hồ Chí Minh nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội

(Mặt trận) - Công tác giám sát, phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bài viết đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, tháng 3/2018.

Phối hợp với các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Năm năm qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác giám sát và phản biện xã hội đã được triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều nội dung đổi mới cùng các giải pháp căn cơ. Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đây là văn bản quan trọng, là cơ chế để hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Ngay sau khi Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Kế hoạch số 81/KH-MTTQ-BTT và Hướng dẫn số 07/HD-MTTQ-BTT ngày 21/7/2014 để triển khai thực hiện Quyết định được đồng bộ và thống nhất trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Thành phố đến cơ sở và chọn Mặt trận Tổ quốc các Quận: 1, 6, 7 và huyện Nhà Bè tổ chức thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm chung.

Công tác giám sát

Ngay từ đầu quý IV năm trước, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã ban hành Chương trình giám sát của năm sau trên cơ sở thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội và Hội đồng nhân dân Thành phố về các nội dung phối hợp giám sát. Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã chủ trì tổ chức giám sát ở 24 nội dung, với 32 cuộc, trong đó tập trung giám sát vào các nội dung, lĩnh vực mà người dân quan tâm hoặc còn bức xúc, như: Giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, giải toả; việc bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; việc thực hiện quy hoạch, dự án còn để kéo dài nhiều năm; việc giải quyết các trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; giám sát công tác quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông - trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng chống cháy nổ trên địa bàn dân cư; giám sát quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là ở cấp cơ sở; giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân...

Thực hiện Chương trình phối hợp số 17-CTPH/HND-MTTQ-BNN&PTNT-BCT ngày 17/7/2014 giữa Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương về việc giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết kế hoạch liên tịch số 76-KHLT/HND-MTTQ-SNN&PTNT-SCT ngày 29/9/2015  với Hội Nông dân Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương về việc giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 và triển khai kế hoạch giám sát hàng năm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và các xã, thị trấn thuộc các huyện ngoại thành.

Thực hiện Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS, ngày 11/11/2014 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Thanh tra, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư Thành phố về giám sát và nâng cao hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giai đoạn 2014-2019, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện hàng năm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát công tác tiếp công dân và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị phản ánh của người dân tại một số quận, huyện và phường, xã trên địa bàn thành phố; đồng thời hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở 24 quận, huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức lễ ký kết Chương trình phối hợp với các đơn vị cùng cấp.

Hoạt động phản biện xã hội

Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã chủ trì tổ chức 11 hội nghị phản biện xã hội, với các nội dung, như: Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; dự thảo ban hành Quy định giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn Thành phố; dự thảo Quyết định thay thế các quy định hiện hành liên quan đến hạn chế và cấp phép cho xe ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội đô Thành phố; dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; dự thảo Quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch và hồ công cộng trên địa bàn thành phố; dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị Khu biệt thự Làng Đại học Thủ Đức, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức… trong các Hội nghị phản biện xã hội, thì căn cứ nội dung phản biện mà có sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm có ý kiến phản biện đối với các nội dung có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể mình. Qua các ý kiến phản biện và kiến nghị của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Ủy ban nhân dân cùng cấp đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc.

Đặc biệt, ngay sau Tết Mậu Tuất năm 2018, Ủy ban nhân dân thành phố đã đề nghị Ban Thường trực tổ chức 4 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ xe ô tô trên lòng đường, hè phố; Đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý và Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của Thành phố giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Các đề án trên liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân Thành phố. Nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, có trách nhiệm, trên cơ sở lý luận và thực tiễn được Ban Thường trực tổng hợp đề xuất đã giúp cho kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân Thành phố có cơ sở biểu quyết thông qua.

Một số bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Một là, đối với hoạt động giám sát, nội dung giám sát cần xác định có trọng tâm, trọng điểm; rõ đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát cụ thể, xuất phát từ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân; phải có quyết tâm cao, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiên trì đeo bám và giám sát có hiệu quả việc trả lời và giải quyết các kiến nghị của Mặt trận các cấp sau các buổi giám sát. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp là điều kiện quan trọng để Mặt trận hoàn thành chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Hai là, trong tình hình hiện nay, để tăng cường hoạt động giám sát Mặt trận Tổ quốc các cấp của Thành phố cần tổ chức các đoàn đi giám sát công việc này ngoài cán bộ chuyên trách Mặt trận phải cần có sự phối hợp, trước hết là xem trong đội ngũ ủy viên của Mặt trận ai là người phù hợp, có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan đến vấn đề giám sát để họ tham gia. Sau khi kết thúc giám sát, phải sớm có văn bản kiến nghị ngay với cơ quan có thẩm quyền, trong đó cần xác định thời gian yêu cầu các cơ quan có liên quan phải trả lời theo quy định tại Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT ngày 21/7/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ ba, đối với hoạt động phản biện xã hội, cần xác định rõ nội dung phản biện để lựa chọn các phương pháp phản biện cho phù hợp, như: tổ chức hội nghị phản biện, tổ chức lấy ý kiến phản biện hoặc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chủ thể phản biện với cơ quan, tổ chức có văn bản dự thảo được phản biện. Trong quá trình tổ chức các hoạt động phản biện cần phát huy vai trò, huy động trí tuệ của các vị ủy viên, các tổ chức thành viên, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, những người đã tham gia lãnh đạo, quản lý liên quan đến nội dung cần phản biện.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm thực hiện có kết quả Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) trong thời gian tới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đề ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp tổ chức các hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nội dung Quyết định số 217-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, các tổ chức thành viên Mặt trận, đoàn viên, hội viên các đoàn thể các cấp của thành phố nhằm tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đặc biệt đối với lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đền bù giải tỏa mặt bằng xây dựng các công trình, dự án; các vấn đề liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân.

Thứ ba, vận động nhân dân tham gia giám sát xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tập trung giám sát phát hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Quan tâm giám sát các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - y tế - bảo vệ môi trường nhằm góp phần cùng các ngành chức năng chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống của nhân dân Thành phố.

Thứ tư, cần tổ chức giám sát thông qua việc nắm bắt tình hình các tầng lớp nhân dân, qua đó lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc, giải quyết kéo dài để nghiên cứu, giám sát và kiến nghị chính quyền các cấp quan tâm giải quyết; đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà Mặt trận Tổ quốc đã kiến nghị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Thứ năm, cần chủ động gửi văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức thông báo các văn bản cần phản biện. Căn cứ vào yêu cầu phản biện của cơ quan, tổ chức gửi đến, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện xã hội, trong quá trình tổ chức các hoạt động phản biện cần phát huy vai trò, huy động trí tuệ của các vị ủy viên, các tổ chức thành viên, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia, những người đã tham gia lãnh đạo, quản lý liên quan đến nội dung cần phản biện.

Trần Tấn Ngời

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều