Văn hoá nghị trường là đặt lợi ích của dân lên trước hết

Các đại biểu tranh luận thẳng thắn trên tinh thần góp ý, xây dựng thì Quốc hội mới có được không khí dân chủ thực sự.

Ngày 31/10 là ngày thứ hai Quốc hội thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn đã thực sự sôi động bởi có thêm phần tranh luận giữa các đại biểu. Còn về phía các Bộ trưởng cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi trả lời những vấn đề đang nổi cộm ở ngành mình.

Tuy nhiên, cũng có những vấn đề được đại biểu đưa bị trùng lặp thì cũng được Chủ tịch Quốc hội gom lại để các tư lệnh ngành trả lời theo nhóm vấn đề.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt

Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có những vấn đề đại biểu muốn hỏi thêm, Bộ trưởng phải trả lời bổ sung nên đã kéo dài thời gian. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc được trả lời của những đại biểu khác.

Tuy nhiên, với một kỳ họp Quốc hội, chỉ nên dành thời gian là 3 ngày cho việc chất vấn và trả lời chất vấn, chứ không nên kéo dài hơn. Bởi vì có những vấn đề đã được các tư lệnh ngành trả lời ngay tại hội trường và trả lời thông qua báo cáo rồi.

Tranh luận là rất tốt nhưng phải trên tinh thần lắng nghe, xây dựng

Phiên chất vấn ngày 31/10 diễn ra rất sôi động trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ và có tính cầu thị rất cao. Nhiều đại biểu đưa ra câu chất vấn rất “nóng” bám sát thực tế ở các địa phương; còn tư lệnh ngành trả lời cũng bám sát vào câu hỏi, không hề né tránh. Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An).

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nổi lên là sự tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội. Thực tế nghị trường Quốc hội là nghị trường dân chủ, những đại biểu Quốc hội được dân bình bầu nên họ mang tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh trước Quốc hội. Đại biểu Quốc hội còn là những người chịu trách nhiệm trước những lời nói của mình trước cử tri và Quốc hội.

“Khi một đại biểu thấy một vấn đề chưa đúng thì có ý kiến và khi đại biểu nói mà có người phản ứng lại, giải thích vì sao chưa đúng thì cũng là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, đại biểu không nên đưa động cơ cá nhân vào nghị trường Quốc hội để chì chiết, nói đại biểu khác phát biểu như vậy sẽ ảnh hưởng đến ngành  nào đó thì là điều không được.

Các đại biểu tranh luận thẳng thắn trên tinh thần góp ý, xây dựng thì Quốc hội mới có được bầu không khí dân chủ thực sự. Những việc chưa tốt sẽ được giải quyết tốt hơn; những việc đã được giải quyết tốt rồi sẽ tốt hơn nữa. Vì vậy, trong phiên chất vấn và trả lời chất, chúng ta không nên hạn chế các đại biểu tranh luận với nhau”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhận định.

Văn hóa nghị trường phải đặt lợi ích nhân dân, đất nước lên trên

Góp ý vào việc tranh luận trên nghị trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) phân tích, các tư lệnh ngành đều đủ trình độ, năng lực, bản lĩnh để trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri nêu lên. Cử tri cũng như các đại biểu đều muốn lắng nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn một cách rõ ràng, dù mỗi người có những cách thể hiện khác nhau.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Các đại biểu có tranh luận lẫn nhau là rất tốt, như chúng ta thấy Luật Phòng chống tham nhũng tới 3 kỳ họp, các đại biểu vẫn còn ý kiến khác nhau.

"Vừa qua trên mạng xã hội và một số phương tiện thông tin có tình trạng quy chụp một số đại biểu. Tôi đề nghị tuyệt đối tránh điều này. Chúng ta xây dựng văn hóa nghị trường, trước hết là phải đặt lợi ích nhân dân, đất nước lên trên và phải tôn trọng lẫn nhau.

Chúng ta có thể tranh luận nhưng không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác. Điều này tạo không khí không lành mạnh, cản trở hoạt động hết sức dân chủ của Quốc hội mà cho đến nay được đánh giá là đã diễn ra rất tốt", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều