Xây dựng lực lượng nòng cốt từ mô hình tự quản

(Mặt trận) - Chiều 17/4, tại Hà Nội, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, tổ dân phố trên phạm vi toàn quốc.

Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội.

Việc xây dựng Đề án nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Mục tiêu của Đề án là góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản ở khu dân cư, thôn, tổ dân phố, nhằm tinh gọn bộ máy, đầu mối, phát huy được sức mạnh tổng hợp, tập trung, thống nhất thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ở cơ sở trong tình hình mới, từ đó xây dựng lực lượng nòng cốt có đủ khả năng tập hợp, hướng dẫn quần chúng tham gia thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã chia sẻ về thực trạng tổ tự quản ở khu dân cư trong giai đoạn hiện nay, từ đó đưa ra những ý kiến cụ thể khi tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng về tổ chức, nội dung, phương thức và hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi toàn quốc theo hướng bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW.

Xuất phát từ thực tế hình thành mô hình tự quản ở cơ sở, Trung tướng Nguyễn Song Phi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB Việt Nam cho biết, hiện nay, Hội Cựu chiến binh các cấp đã tự thành lập tổ tự quản để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và an ninh, trật tự trên địa bàn. Chính vì vậy, việc thành lập các đoàn khảo sát tại một số địa phương trên cả nước phải bám sát với thực tế mô hình tự quản và phải làm rõ được giá trị, ý nghĩa, sức ảnh hưởng của hoạt động tổ tự quản tại từng địa bàn.

Ông Nguyễn Song Phi cũng cho rằng, Đề án làm rõ việc phân định quyền hạn, cơ chế hoạt động và phụ cấp cho người quản lý tổ tự quản, từ đó đảm bảo tính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện nay, trên cả nước có 102.000 cộng đồng dân cư với các tên gọi khác nhau như thôn, ấp, bản, khu phố,… từ đây sẽ hình thành rất nhiều mô hình tự quản với phương thức hoạt động đảm bảo tính kế thừa, tính truyền thống và giá trị lịch sử.

Tuy nhiên, các mô hình tự quản ở đô thị có sự khác biệt với vùng nông thôn, vùng miền núi,… Chính vì vậy, Đề án cần thống nhất nhận thức để việc xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố không rơi vào tình trạng hành chính hóa; phải đánh giá được mối quan hệ giữa cấp ủy đảng, trưởng bản, trưởng thôn với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Đồng thời việc xây dựng mô hình phải phù hợp với đặc điểm của từng cộng đồng dân cư của từng vùng miền, thành thị, nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị, bên cạnh hoạt động khảo sát mô hình tự quản trong nước, có thể nghiên cứu tham khảo, học tập kinh nghiệm các mô hình tự quản của một số nước trên thế giới như Singapore, Trung Quốc,…

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, việc phân tích, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp củng cố, kiện toàn, xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố theo đúng yêu cầu của Đề án sẽ phát huy được những kinh nghiệm hay, thiết thực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các mô hình tự quản để nhân rộng, triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đề nghị sau cuộc họp, Ban Chỉ đạo cần rà soát để việc phân công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan tham gia. Việc xây dựng kế hoạch tổng thể cần xác định rõ khung thời gian tổ chức thực hiện việc tiến hành khảo sát tại một số địa phương và các địa phương báo cáo tình hình tổ chức thực hiện các mô hình tự quản; xây dựng nội dung đề án trình Ban Bí thư thông qua.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh lưu ý, trong quá trình tiến hành khảo sát, cần xác định rõ chủ thể khảo sát, ở từng mô hình phải khẳng định rõ số lượng, chủ thể quản lý, cơ chế hoạt động của từng mô hình, chế độ chính sách... từ đó thống kê các hình thức và đánh giá hiệu quả hoạt động, thuận lợi, khó khăn trong tổ chức thực hiện các mô hình tự quản, tổ chức tự quản, lĩnh vực tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.

Hương Diệp - Ảnh: Kỳ Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều