Xem xét dự thảo Nghị quyết về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) xem xét dự thảo Nghị quyết của UB TVQH về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội.
 Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, thời gian qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được UB TVQH quan tâm chỉ đạo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chú trọng thực hiện. Năm 2020, UB TVQH ban hành Kế hoạch số 519/KH-UBTVQH14 ngày 26/3/2020 về giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến hết kỳ họp thứ 8. Năm 2021, UB TVQH ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBTVQH15 ngày 18/8/2021 để đánh giá việc thực hiện các kiến nghị giám sát của năm 2020 và giám sát văn bản quy phạm pháp luật từ kỳ họp thứ 9 đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Qua hoạt động giám sát cho thấy: Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã đưa vào Chương trình công tác hàng năm về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách, xác định là nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của pháp luật. Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, phần lớn văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tốt, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn hạn chế; việc theo dõi, đôn đốc các cá nhân, cơ quan trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng, chưa thống nhất từ kỳ báo cáo kết quả giám sát đến trình tự, cách thức thực hiện cũng như việc xử lý kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Việc giám sát chủ yếu tập trung vào thời hạn ban hành, tính đầy đủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, tuân thủ các quy định về hình thức văn bản, thẩm quyền ban hành văn bản.

Việc phát hiện và kiến nghị cơ quan ban hành văn bản xử lý và báo cáo kết quả xử lý văn bản đến UB TVQH còn chưa chủ động, chưa kịp thời, kém hiệu quả. Tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với quy định của luật đã được chỉ ra và kết luận, nhưng việc sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới để khắc phục còn chậm.

Việc gửi văn bản đã ban hành đến các cơ quan của Quốc hội còn hạn chế, chủ yếu là văn bản do Chính phủ ban hành, văn bản do cấp Bộ trưởng ban hành ít được gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.  

Từ thực trạng nêu trên, để góp phần đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Việc UB TVQH ban hành Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết và phù hợp với vị trí, chức năng của UB TVQH là “cơ quan thường trực của Quốc hội”, “chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội” theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, kết quả giám sát cần chỉ rõ có bao nhiêu nơi làm được, bao nhiêu nơi đúng thời gian, bao nhiêu nơi ban hành đúng, nơi nào chưa đúng, nơi nào ban hành chậm phải rõ để báo cáo Quốc hội.

“Luật ra đời luật mà chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn... Quan trọng là việc đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Tư pháp hàng năm đều có báo cáo về việc kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm toán Nhà nước hàng năm cũng phát hiện nhiều văn bản không phù hợp, kiến nghị ban hành văn bản cho kịp thời, cái nào bỏ bãi, cái nào nên ban hành bổ sung. Tuy nhiên, việc xử lý văn bản vi phạm đang có nhiều ý kiến băn khoăn. Nhất là trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra, phát hiện 64 văn bản không phù hợp.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, một công dân làm sai chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, nếu vi phạm pháp luật thì bị xử lý hình sự. Còn “ban hành văn bản sai thẩm quyền mà không xử lý gì thì liệu có nghiêm không? nhất là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tính thượng tôn pháp luật rất là quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn khi dự thảo Nghị quyết này không phải là văn bản quy phạm pháp luật. “Tại sao lại không phải là văn bản quy phạm pháp luật? Nếu không phải thì phạm vi phải khác, phải giám sát theo lĩnh vực phân công, phạm vi giám sát theo lĩnh vực”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

TTXVN

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều