Yêu cầu kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn khi bão số 10 sắp đổ bộ

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chỉ rõ, tình hình đảm bảo an toàn cho tàu thuyền vẫn chưa được thực hiện nghiêm do một số tàu thuyền chưa chấp hành việc hướng dẫn, kêu gọi tránh khỏi vùng nguy hiểm của cơn bão.

Sáng 5/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan nhằm cập nhật tình hình và bàn giải pháp ứng phó với bão số 10 sắp đổ bộ vào nước ta.

 Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: BT) 
Thông tin tại cuộc họp cho biết, hồi 4h ngày 5/11, vị trí tâm bão số 10 ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, vận tốc 10km/giờ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 4 giờ ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Quảng Ngãi đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,0 độ Kinh Đông. 

Dự báo, trong ngày 5- 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt. Ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Từ ngày 5-7/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Đáng chú ý, cảnh báo từ ngày 5-7/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Kon Tum ở mức báo động 1 - báo động 2, có sông trên báo động 2. Các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên, Gia Lai có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3, có sông trên báo động 3.

Về tình hình sản xuất nông nghiệp, Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay, tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) và Tây Nguyên, hiện còn 110.904ha diện tích lúa mùa chưa thu hoạch, trong đó, 45.949ha đã đến kỳ thu hoạch. Các địa phương đang chỉ đạo đẩy nhanh việc thu hoạch các trà lúa đã chín.

Để ứng phó với bão số 10, các tỉnh từ Quãng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, chuẩn bị công tác sơ tán dân trước khi bão đổ bộ. Tổng số dân dự kiến sơ tán 7.688 hộ/28.285 người, trong đó đã thực hiện sơ tán 2.178 hộ/8.125 người.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của lực lượng Bộ đội Biên phòng cho biết, đối với các tàu còn nằm trong vùng nguy hiểm, lực lượng biên phòng đã cử cán bộ xuống địa phương, vận động các chủ tàu thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời trong trường hợp chủ tàu vẫn không chịu đi ra khỏi vùng nguy hiểm, đề nghị viết cam kết nếu có sự cố xảy ra, nhà nước sẽ không hỗ trợ chi phí cứu hộ, cứu nạn. Tại Quảng Ngãi vừa qua, đã tiến hành xử phạt hành chính 1 trường hợp về việc không hợp tác với lực lượng biên phòng.

“Lực lượng Biên phòng chỉ tham gia kêu gọi phương tiện, trong đó, phương tiện khẳng định đang ở vị trí này thì chúng tôi biết vậy. Chúng tôi phải thông qua lực lượng của ngành thủy sản mới biết có đúng ở vị trí đó hay không. Đây là khó khăn cho lực lượng biên phòng” – đại diện Bộ đội Biên phòng nêu ý kiến.

Đi cùng với công tác trên, lực lượng Biên phòng đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, các địa phương chủ động sắp xếp neo đậu tàu thuyền, hỗ trợ người dân gia cố an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, đồng thời căn cứ diễn biến thời tiết yêu cầu bà con rời khỏi lồng bè để đảm bảo an toàn.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chỉ rõ, về tình hình đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trước cơn bão vẫn chưa được thực hiện nghiêm do một số tàu thuyền chưa chấp hành việc hướng dẫn, kêu gọi tránh khỏi vùng nguy hiểm của cơn bão. Nếu có bất kỳ một sự cố nào xảy ra sẽ gây tốn kém, đồng thời gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Do vậy, cần có biện pháp cương quyết ở vấn đề này.

Về vấn đề này, ông Tiến đề nghị, một là xử phạt hành chính, hoặc đề nghị làm bản kiểm điểm. Cần mời các chủ tàu không chấp hành nghiêm hướng dẫn, kêu gọi của các đơn vị Biên phòng, thủy sản… lên làm việc, vừa tuyên truyền, vừa răn đe. Không để vì một lợi ích nhỏ của các chủ tàu nhưng còn gây nguy hiểm đến cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 7h ngày 5/11, ảnh hưởng của bão số 9 đã làm 40 người chết, 43 người mất tích.

Theo báo cáo nhanh ngày 5/11 của Bộ Giao thông vận tải, Quốc lộ 49 (Thừa Thiên Huế) còn 4 điểm bị tắc, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 3 vị trí bị tắc (Quảng Bình 1; Quảng Trị 2).

Về tình hình ngập lụt:Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến 17h ngày 4/11 vẫn còn 310 hộ bị ngập.

Về khôi phục điện lưới, trong ngày 4/11, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 16 xã. Hiện còn 24 xã mất điện tại 2 tỉnh gồm: Quảng Nam 7 xã, Quảng Ngãi 17 xã.

Số nhà hư hỏng chưa khôi phục được: 252 nhà. Hiện người dân đang ở nhờ nhà người thân; riêng 18 hộ ở Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đang ở nhà tạm do bộ đội dựng.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều